Du lịch Việt: Vấn nạn muôn thuở, nạn xả rác thải, "chặt chém" du khách, bao giờ chấm dứt?
Sau 3 năm dịch Covid diễn ra, ngành du lịch đã dần dần phục hồi và phát triển, bằng chứng năm 2022, tổng số khách du lịch nội địa ước đạt trên 101,3 triệu lượt, vượt mốc mục tiêu ban đầu đặt ra.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, mặc dù lượt khách quốc tế mới chỉ đạt 70%, đang còn là con số khiêm tốn, nhưng tổng thu du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng. Điều này phần nào khiến những người làm du lịch cảm thấy tự tin, thấy được sự khởi sắc trong thời điểm hiện tại và trong tương lai.
Đặc biệt, thời gian qua, khi Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc Hội nghị thúc đẩy du lịch, tạo đà phát triển. Trong đó, chính sách thị thực cũng đang dần được tháo gỡ. Tuy nhiên đi kèm với những niềm vui lớn như vậy thì những vấn đề tiêu cực về du lịch xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây khiến người làm du lịch nản lòng, du khách trong nước, du khách nước ngoài thất vọng và bức xúc.
Cách đây không lâu câu chuyện một du khách nữ quốc tịch Hàn Quốc đến Đà Nẵng du lịch bị tài xế "chặt chém" cao gấp 10 lần giá thông thường.
Tương tự, ngày 12/3/2023, tài xế tắc xi thuộc Taxi Hà Nội biển kiểm soát 30F-295.xx cũng đã "chặt chém" du khách Mỹ, khi vị du khách đặt xe di chuyển từ khách sạn Khách sạn Apricot (địa chỉ tại 136 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) đến phố ẩm thực Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm) với giá tiền là 500.000 đồng.
Ngay sau đó sự việc đã được Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vào cuộc, truy tìm ra tài xế tắc xi và vị tài xế tắc xi này đã phải thừa nhận sai phạm, trả lại tiền thừa và xin lỗi vị khách người Mỹ; đồng thời, chịu mức xử phạt hơn 12 triệu đồng.
Mặc dù câu chuyện đã kết thúc bằng lời xin lỗi, bồi thường tiền cho khách và nhận mức xử phạt vi phạm, thế nhưng việc "chặt chém" vẫn để lại vết hằn, hình ảnh xấu cho du khách nước ngoài.
Câu chuyện tiếp theo, đó là xả rác thải, phao xốp tại hai vịnh Hạ Long và Lan Hạ. Được biết, gần một tuần nay, hình ảnh hai vịnh bị ô nhiễm bởi rác thải, phao xốp nổi kín mặt biển, lực lượng Ban Quản lý hai vịnh, thậm chí các chủ tàu du thuyền cũng điều động tất cả thuyền kayak, nhân viên thu gom phao xốp để cứu lấy hình ảnh sạch, đẹp của vịnh trước con mắt của du khách.
Nhưng dường như việc xả rác của các hộ dân nuôi trồng thủy sản tại hai vịnh vẫn không dừng. Điều này khiến rất nhiều du khách nước ngoài bày tỏ thất vọng và bức xúc, khi họ vượt cả nghìn dặm xa xôi muốn được nghỉ ngơi, thư giãn, ngắm cảnh đẹp thiên nhiên của vịnh Hạ Long và Lan Hạ.
Hay những đống rác thải với chai nhựa, vỏ hộp, túi nilon, hộp sữa chua, vỏ túi nilon kem... được rơi vương vãi quanh thùng rác, trên vỉa hè, dưới lòng đường, đặc biệt những điểm đến khiến cho môi trường trở nên ô nhiễm.
Câu chuyện tiếp nữa là tiêu cực về những thông tin du khách tố bị hiếp dâm, điều này khiến cho du khách trong nước và du khách nước ngoài cảm thấy điểm đến không an toàn.
Những vấn nạn du lịch muôn thuở "chặt chém" du khách, xả rác, tố hiếp dâm...đang "giết chết" du lịch tử tế
Chia sẻ về điều này ông Phạm Hà – Chủ tịch Lux Group cho biết: "Là người lăn lộn và làm du lịch 20 năm, tiếp xúc với rất nhiều du khách nước ngoài ở nhiều thị trường quốc tế, tôi nhận được nhiều ý kiến của các vị khách nước ngoài này, sau mỗi chuyến đi tại Việt Nam. Trong số những ý kiến đó, tôi đúc kết được 7 nỗi sợ hãi của du khách bao gồm: 1. cướp giật, 2. trộm cắp; 3. kẹt xe; 4. tai nạn giao thông; 5. thái độ phục vụ khách; 6. nhà vệ sinh bẩn; 7. ô nhiễm môi trường.
"Tôi đã tiễn rất nhiều đoàn du khách nước ngoài từ Pháp đến Ý, Mỹ…họ đều có nhận xét chung, Việt Nam có rất nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, bãi biển hoang sơ, ẩm thực ngon, văn hóa truyền thống hấp dẫn, thế nhưng sự ô nhiễm về môi trường, nạn cướp giật, kẹt xe… khiến họ nản lòng và không có ý quay trở lại lần thứ hai.
Chúng tôi những người làm du lịch không ít lần nản lòng khi nỗ lực quảng bá cảnh đẹp, bản sắc văn hóa, một Việt Nam an toàn, điểm đến hấp dẫn. Nhưng đôi khi những gì diễn ra trong thực tế, khi du khách nước ngoài đến chứng kiến, khiến chúng tôi cảm thấy bất lực, khó có lời giải thích thỏa đáng cho họ", ông Phạm Hà cho hay.
Phân tích về hệ lụy của những hạt "sạn" này, ông Phạm Hà cho biết, khi du khách có trải nghiệm tệ, cảm giác bị lừa đảo, thì đó sẽ là điều tệ hại khủng khiếp hằn sâu trong ký ức của họ, thậm chí có một số "hạt sạn" sẽ khiến họ bị ám ảnh và điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ không quay lại điểm đến đó nữa, họ sẽ là đại sứ truyền tai cho những vị khách tiềm năng khác về những điều tệ hại đó.
"Chặt chém" ví tiền của du khách được một lần và sẽ không bao giờ có được lần thứ 2. Vậy thì hệ lụy của điều này sẽ mất nhiều hơn được", ông Phạm Hà nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Hà, mỗi doanh nghiệp, người làm dịch vụ đều nên tâm niệm hãy làm điều tử tế, kinh doanh, phục vụ khách một cách công bằng và tử tế thì điều đó sẽ kéo theo du lịch tử tế, xã hội sẽ văn minh, phát triển.
"Chúng tôi luôn tâm niệm kinh doanh bền vững, tuyên bố khách hàng được 100% sự thỏa mãn nếu không hoàn tiền. Khách hàng là thượng đế", ông Phạm Hà nói.
Ông Lê Hồng Thái - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist chia sẻ: "Những vấn đề tiêu cực như "chặt chém" du khách, xả rác thải hay bị tố hiếp dâm không phải là vấn nạn mới và không riêng gì của ngành du lịch, mà ở cả các ngành dịch vụ khác.
Tuy nhiên, ở đây tôi phân tích trong lĩnh vực du lịch, trước tiên nói về câu chuyện du khách tố bị hiếp dâm, tôi nghĩ, thường khi câu chuyện xảy ra, mọi người sẽ đặt câu hỏi cho ba tình huống: Một là du khách có khả năng tự bảo vệ được bản thân mình không?; Hai là trong quá trình xảy ra sự việc có bị kích thích bởi những đồ có chất kích thích như rượu, bia…dẫn tới không kiểm soát được hành động không?; Tình huống thứ ba, biết đâu có sự đồng thuận từ hai phía nhưng sau đấy không đạt như điều mình muốn thì mới quay lại lật ngược nhau?.
Công ty của chúng tôi, quán triệt với nhân viên, hướng dẫn viên trong quá trình đi tour, tiếp khách hàng tuyệt đối không dùng chất kích thích, trong đó có rượu, bia. Điều thứ hai là phải tự bảo vệ bản thân, đặc biệt với những hướng dẫn viên nữ. Tuy nhiên câu chuyện du khách tố bị hiếp dâm chưa thể xác minh thực hư, có kết quả ngay từ cơ quan điều tra, thế nhưng khi sự việc lùm xùm lên thì ảnh hưởng đầu tiên chính là nhân viên của doanh nghiệp lữ hành đó, rồi đến chính doanh nghiệp và sau là đến hình ảnh du lịch Việt. Mà điều này thì hệ lụy sẽ là sự e ngại của du khách nước ngoài khi có ý định đi du lịch tại Việt Nam".
Vấn nạn thứ hai, đó là "chặt chém" du khách, theo ông Lê Hồng Thái, đứng ở góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt thời điểm cao điểm của du lịch, phía cơ quan quản lý Nhà nước nên có đoàn thanh tra, kiểm tra xem các nhà hàng, khách sạn, các dịch vụ có thực hiện đúng với quy định đã đưa ra.
Các doanh nghiệp lữ hành khi hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ, thì thường hợp đồng một năm nên việc "chặt chém" du khách ít xảy ra, mà thông thường khi du khách dùng dịch vụ bên ngoài chương trình của tour, du khách đi lẻ thì dễ nảy sinh chuyện "chặt chém".
"Với công ty của chúng tôi, khi xây dựng tour tại các điểm đến truyền thống sẽ phải kiểm tra từ khách sạn, nhà hàng, địa điểm tham quan…trước khi xây dựng tour cho khách hàng. Hay với những tour được xây dựng là điểm đến mới chúng tôi sẽ cử người đến tận nơi kiểm tra về chất lượng chúng tôi mới xây dựng tour cho khách.
Chúng tôi kiểm tra để biết chất lượng dịch vụ, xây dựng giá tour cho đúng, chứ không chỉ nghe, nhìn qua ảnh, qua trang web mà xây dựng tour, để rồi nếu không đúng với những gì khách hàng trải nghiệm thì sẽ ảnh hưởng tới thuơng hiệu của Hanoi Tourist, hoặc sẽ bị mang tiếng "chặt chém" với sản phẩm không đạt chất lượng", ông Lê Hồng Thái cho hay.
Nói về hệ lụy của những tiêu cực này, ông Lê Hồng Thái cho biết, đó là cách làm theo kiểu "bóc ngắn cắn dài", là "con sâu bỏ rầu nồi canh" để lại hình ảnh xấu, ấn tượng xấu cho điểm đến đó. Ảnh hưởng tới những doanh nghiệp lữ hành làm du lịch tử tế.
Như trường hợp tài xế tắc xi tại Đà Nẵng "chặt chém" du khách Hàn Quốc, thì vị khách quốc tế này và những vị khách quốc tế khác, những người biết chuyện sẽ đánh giá điểm đến Đà Nẵng không tốt. Đó là cách làm du lịch chộp giật, lừa đảo du khách.
Nói đến vấn nạn rác thải làm ảnh hưởng tới môi trường, theo ông Lê Hồng Thái, cần phải giải quyết tận gốc. Tức là nên có sự quản lý chặt ngay từ điểm đến cho tới yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành khuyến cáo du khách không dùng chai nhựa, vỏ, hộp nhựa, mà nên dùng bình nước mang theo.
"Đặc biệt, chúng ta cần quyết liệt ví dụ thí điểm tại một điểm đến như vịnh Hạ Long không dùng chai nhựa, vỏ, hộp, túi nilon khi lên tàu du thuyền tham quan vịnh. Ban Quản lý đưa ra quy chế, chế tài đối với các tàu, các doanh nghiệp lữ hành khi đưa khách đến", ông Lê Hồng Thái cho biết.
Vẫn biết, sau dịch Covid, lạm phát toàn cầu, giá cả tăng vọt, dẫn đến kinh tế và cuộc sống khó khăn hơn rất nhiều. Thế nhưng kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp hậu quả, để rồi chính chúng ta phải trả một cái giá rất đắt thì mặt hại sẽ nhiều hơn mặt lợi. Đó là cách làm ăn xổi, khiến du lịch Việt Nam sẽ mãi là hình ảnh méo mó, xấu xí trong con mắt của du khách nước ngoài và nỗi xấu hổ cho những người làm du lịch tử tế.
https://diendandulich1-vn.blogspot.com/2023/04/van-nan-muon-thuo-xa-rac-chat-chem.html
0 nhận xét:
Post a Comment