Quán bánh mì Việt 90 năm tuổi, từng được lên truyền hình Mỹ ~ DU LỊCH VIỆT NAM

Tuesday, April 11, 2023

90 năm vẫn giữ một hương vị

"Này, anh bạn mất khoảng 20 giây để làm một ổ bánh mì cho khách đấy", vị khách Tây nói. Anh Hồ Quốc Dũng (37 tuổi) là thế hệ thứ 3 trong gia đình làm nên thương hiệu bánh mì Bảy Hổ, đáp: "Ồ, thế à, tôi chưa bao giờ tính tốc độ thực hiện".

Người đàn ông đến từ Mỹ là khách quen suốt một năm rưỡi, ông thường dành nhiều thời gian quan sát xe bánh mì tấp nập trên đường Huỳnh Khương Ninh (quận 1, TPHCM). Chính anh Dũng cũng không biết ông là người sản xuất nội dung truyền hình của Netflix (nền tảng cung cấp dịch vụ phát trực tuyến của Mỹ), hệ thống hiện đang có 154 triệu người dùng trên toàn cầu.

Quán bánh mì Việt 90 năm tuổi, từng được lên truyền hình Mỹ - Ảnh 1.

Anh Quốc Dũng chuẩn bị nguyên liệu cho bánh mì (Ảnh: Trần Đạt).

Quán bánh mì Việt 90 năm tuổi, từng được lên truyền hình Mỹ

Năm 2018, anh Dũng bất ngờ nhận được email của Netflix, đề nghị được phỏng vấn và quay phóng sự cho series Street Food: Asia. Chỉ vài tháng sau, kể từ khi anh đồng ý, hai chiếc xe buýt lớn chở khoảng 30 người Mỹ đã đến xe bánh mì Bảy Hổ để ghi lại những tư liệu chân thực nhất.

Bánh mì nóng giòn được chẻ đôi, phết bơ, pate, thịt xắt mỏng, kèm rau và dưa chua. Hương vị Bảy Hổ được gìn giữ gần 100 năm, qua ba thế hệ trong một gia đình.

Một ngày của anh Dũng bắt đầu lúc 3h, anh lấy bánh mì được đặt riêng từ lò để đảm bảo được vỏ bánh mì luôn giòn, nóng. Thịt tẩm ướp đậm đà theo hương vị riêng, pate mềm, béo ngậy. Tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên ổ bánh mì trứ danh.

Ông Trần Văn Hậu - ông ngoại anh Dũng là người đầu tiên gánh bánh mì đi bán. Sau đó, bánh mì Bảy Hổ được trao lại cho mẹ anh - bà Trần Thị Sương. Năm bà 62 tuổi, sức khỏe không đủ đảm bảo cho công việc vất vả này. Anh Dũng khi ấy đang có công việc riêng, quyết gác hết mọi thứ để về lại xe bánh mì gia đình.

Quán bánh mì Việt 90 năm tuổi, từng được lên truyền hình Mỹ - Ảnh 2.

Pate, thịt … trong nhân bánh mì được chế biến mới mỗi ngày (Ảnh: Ngọc Ngân).

Quán bánh mì Việt 90 năm tuổi, từng được lên truyền hình Mỹ - Ảnh 3.

Bánh mì Bảy Hổ luôn đông khách (Ảnh: Trần Đạt).

"Tôi yêu bánh mì từ khi còn bé xíu, khoảng 7-8 tuổi theo chân mẹ đi bán", anh nói. Trước khi truyền nghề lại, ông ngoại anh đã căn dặn hãy giữ bánh mì Bảy Hổ luôn ở mức giá bình dân, để một bà giám đốc hay người xe ôm đều có thể ăn được.

Đây cũng chính là nguyên nhân bánh mì Bảy Hổ lọt top những thương hiệu nổi tiếng, xuất hiện trên truyền thông quốc tế vẫn có giá 20.000 đồng, chưa đến 1 USD. Khách hàng có thể lựa chọn nhân bao gồm thịt, chả, xíu mại hoặc gà. Đặc biệt, nước xốt được làm từ nước hầm thịt là "vị xúc tác" kết nối các hương vị lại với nhau.

Quán bánh mì Việt 90 năm tuổi, từng được lên truyền hình Mỹ - Ảnh 4.

Những người trong gia đình chia nhau công việc chuẩn bị nguyên liệu (Ảnh: Ngọc Ngân).

Bánh mì Bảy Hổ luôn nườm nượp khách xếp hàng. Ông Bùi Dũng (tài xế xe công nghệ) đã có 13 năm trung thành với xe bánh mì này. "Ngon, hương vị ăn một lần là nhớ hoài", ông nói.

Theo lời kể của anh Dũng, một cô giáo 93 tuổi, nhà cách xe bánh mì Bảy Hổ hai ngã tư cũng là khách hàng lâu năm. Bà ăn từ khi còn là cô học sinh cấp 2, đến nay đã trở thành bà nội của nhiều cháu, vẫn thường xuyên lui tới mua.

Thời điểm bánh mì Bảy Hổ đông nhất là từ 6h-9h30 sáng, khách hàng là dân lao động, dân văn phòng, khách nước ngoài… Dù đông khách, anh Dũng vẫn quyết không làm trước bánh mì để tiết kiệm thời gian.

"Nếu làm trước hàng loạt, bánh mì sẽ bị mềm đi bởi nước sốt, khách sẽ không cảm nhận được độ giòn của vỏ bánh và sự tươi mới của các nguyên liệu", anh Dũng nói.

Anh Dũng tin rằng, bánh mì Bảy Hồ là "nhiều cuộc đời, nhiều tâm huyết cộng lại". Từ thời ông ngoại anh oằn vai với đôi gánh, đến thời của mẹ vẫn chưa có máy xay thịt, mọi thứ đều làm thủ công, mất nhiều thời gian và vất vả.

Nghề bánh mì thức sớm, ngủ muộn, luôn tay luôn chân với hàng trăm công việc không tên. Vậy mà gia đình vẫn làm từ ngày này qua ngày khác, năm này sang tháng nọ. Để đúng 6h sáng, bánh mì Bảy Hổ vẫn nóng giòn, vẫn mang đến vị mặn, ngọt, béo, bùi đi cùng thời gian.

Quán bánh mì Việt 90 năm tuổi, từng được lên truyền hình Mỹ - Ảnh 5.

Bánh mì Bảy Hổ luôn nóng giòn phục vụ khách (Ảnh: Trần Đạt).

Bánh mì gốc Bắc nức tiếng TPHCM

Một mẹt trải lá chuối, bên trên đầy ắp chả cắt khúc, thêm rổ hành tây, lọ muối tiêu, lọ nước tương, cạnh bên là sọt bánh mì vàng giòn. "Đồ nghề" đơn giản nhưng bánh mì Cụ Lý đã trở thành thương hiệu gắn bó với TPHCM từ năm 1940.

Anh Trần Huỳnh Quốc Thiện (46 tuổi) là đời thứ ba trong gia đình cụ Lý tiếp quản mẹt bánh mì trên đường Hai Bà Trưng (quận 1). Bánh mì Cụ Lý chỉ bán trong khoảng 3 tiếng, số lượng 400-450 ổ.

Quán bánh mì Việt 90 năm tuổi, từng được lên truyền hình Mỹ - Ảnh 6.

Các loại chả ngon là yếu tố khiến bánh mì Cụ Lý luôn hút khách (Ảnh: Ngọc Ngân).

Trong túi xách của mình, anh Thiện vẫn giữ quyển "Sài Gòn 100 quán ngon" đã sờn cũ. Bên trong, tác giả nắn nót đề tặng anh: "Tặng cu Thiện, truyền nhân của bánh mì Cụ Lý".

Hơn 80 năm trước, người dân thuộc khu vực đường Điện Biên Phủ đã quen thuộc với hình ảnh người đàn ông cao, gầy, là người Bắc vào Nam sinh sống. Ông đi bán dạo với chiếc giỏ tre lớn, ngồi trên ghế đẩu. Bánh mì của ông kẹp cùng các loại chả, rắc tí muối tiêu, nước tương.

Vị mộc mạc, dung dị đó đã làm "say mê" nhiều thực khách Sài thành, có người thòm thèm luôn ăn hai ổ. "Cụ Lý" khi đó chỉ 58 tuổi, nhưng một mình đứng bán từ 6h-11h.

Theo anh Thiện, đặc trưng nhất của bánh mì Cụ Lý là chả. Chả bò luôn dậy mùi thì là - một loại rau gia vị của người Bắc. Rồi chả quế, giò thủ, chả lụa… mỗi loại đều mang hương vị đặc trưng riêng. "Chúng tôi dùng hành tây thay cho ngò, bánh mì cũng không có nhiều nước sốt, dùng muối tiêu/nước tương để làm tăng thêm vị mặn nhưng khách vẫn cảm nhận được độ ngon của chả", anh nói.

Anh Thiện luôn cắt chả dày từ 0,5-1cm, riêng trọng lượng chả trong bánh mì thường đạt đến 100 gram. Tuy nhiên, giá thành vẫn giữ từ 20.000-25.000 đồng/ổ. Chính vì sự "hào phóng" đó, bánh mì Cụ Lý luôn đắt khách, có gia đình nhiều thế hệ vẫn thay nhau đến thưởng thức.

Quán bánh mì Việt 90 năm tuổi, từng được lên truyền hình Mỹ - Ảnh 7.

Anh Thiện là truyền nhân thứ 3 của bánh mì Cụ Lý (Ảnh: Ngọc Ngân).

Trước đây, anh Thiện là thợ điện lạnh. Vì thương tâm sức gầy dựng nên thương hiệu của gia đình, anh quyết định nghỉ việc để tiếp quản bánh mì Cụ Lý. Trong 3 tiếng kể từ khi mẹt bánh mì được dọn ra, anh và vợ không lúc nào ngơi tay.

Anh thoăn thoắt xẻ đôi ổ bánh mì, nhét chả, rắc muối tiêu và gói lại cho khách. "Mỗi người một ý thích nên bánh mì không thể làm trước để tiết kiệm thời gian được", anh nói. Đa phần, khách của anh là học sinh, sinh viên, dân văn phòng, người lao động…

Chả được khoảng 10 thành viên trong gia đình anh cùng làm. Theo anh Thiện, chả bò là loại khó làm nhất, chả phải được hấp trong khoảng thời gian chính xác đến từ phút mới không bị bở, hương thì là vẫn thơm lừng.

Chính vì thế, lợi nhuận từ bánh mì Cụ Lý không nhiều, vừa đủ để anh Thiện trang trải cuộc sống. Anh Thành Hoa (ngụ TP Thủ Đức) luôn ghé bánh mì Cụ Lý mỗi buổi sáng đi làm. Anh cho biết: "Chả rất thơm, ngon, không bị bở hoặc quá dai như các nơi bán chả khác. Đặc biệt, giá bánh mì khá rẻ nhưng ổ bánh lúc nào cũng "đầy vung" chả, ăn rất chắc bụng".

Quán bánh mì Việt 90 năm tuổi, từng được lên truyền hình Mỹ - Ảnh 8.

Mẹt bánh mì đơn giản nhưng luôn đông kín khách (Ảnh: Trần Đạt).

Chiều 31/3, bánh mì Cụ Lý xuất hiện tại Nhà văn hóa Thanh niên trong khuôn khổ Lễ hội bánh mì Việt Nam. Quầy bánh mì luôn được vây kín bởi khách, nhiều khách nước ngoài trầm trồ trước "mẹt lá chuối" giản đơn có 3 người ngồi bán. Mỗi ổ bánh mì đều đầy đặn hương vị, nóng giòn của vỏ bánh, độ thơm của chả.

"Tuyệt vời" - một du khách người Bỉ thốt lên, khi cầm trên tay ổ bánh mì Việt Nam, có hương vị được gìn giữ qua 80 năm.

https://diendandulich1-vn.blogspot.com/2023/04/quan-banh-mi-viet-90-nam-tuoi-tung-uoc.html

0 nhận xét:

Post a Comment