Hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội nhưng Phạm Công Đức tới Sapa nhiều tới mức “không thể đếm xuể” bởi có những chuyến đi “đến nhanh, về gấp” vì đặc thù công việc.
Bên cạnh đó, anh cũng nhiều lần chọn vùng đất này làm nơi nghỉ dưỡng vì có những khu nghỉ dưỡng xinh xắn, cảnh quan hùng vĩ và khí hậu trong lành, rất thích hợp để giải tỏa áp lực sau những ngày làm việc căng thẳng.
Dù nhiều lần tới Sapa nhưng nơi đây vẫn khiến anh có những trải nghiệm “nhớ đời”.
“Một trong những điều đáng tiếc tôi phải chứng kiến là nạn chèo kéo khách du lịch tại các điểm tham quan. Ví dụ như ở Cát Cát, tôi từng gặp những người lái xe ôm không trung thực, thổi giá cước và dọa khách đường đi rất xa. Nhưng thực tế, từ chỗ để xe tới trung tâm bản chỉ khoảng 1km.
Chưa kể tới hình ảnh những em bé ở trung tâm thị trấn Sapa thường bám theo khách để chào mời mua đồ. Thậm chí, có những bé tuổi còn rất nhỏ đã nằm la liệt trên đường để mưu sinh. Rõ ràng, những cảnh tượng này không hề tương xứng với một điểm du lịch đang phát triển mạnh và có nhiều lợi thế như Sapa”, Đức nêu quan điểm.
Dựa trên kinh nghiệm bản thân, vị khách 24 tuổi tự mình rút ra những bài học riêng để không sợ “mất tiền oan”. Đức cho biết, sau nhiều lần khảo sát, anh nhận thấy các điểm ăn uống ở khu trung tâm thường có giá đắt hơn.
“Nếu muốn ăn cá tầm, các nhà hàng ở khu Thác Bạc sẽ có mức giá “dễ thở” hơn so với khu trung tâm rất nhiều. Tôi cùng nhóm bạn từng thưởng thức nồi lẩu cá tầm có giá khoảng 1 triệu đồng. Sau đó, các du khách có thể tiện đường trải nghiệm đèo Ô Quy Hồ, đến thăm Cây Cô Đơn, khu cầu kính hoặc đi Fansipan vì những địa điểm này cùng đường với khu Thác Bạc”, Đức chia sẻ.
Ngoài ra, vị khách Hà Nội còn lưu ý, khu du lịch bản Cát Cát có bãi gửi xe miễn phí. Du khách không nên nghe những lời chào mời mà chỉ cần đi tới cuối đường sẽ thấy. Ngoài ra, càng đi sâu vào bản Cát Cát, khung cảnh càng đẹp, đặc biệt là khu có con suối.
“Khu vực này có rất nhiều chỗ thuê đồ. Nếu muốn chụp ảnh, du khách có thể chọn thuê tại khu vực có suối là hợp lý nhất. Chụp ảnh xong, khách trả luôn đồ và ra về, không tốn sức quay ngược lại nữa.
Bên cạnh đó, ngoài chụp ảnh ở Cổng trời Ô Quy Hồ, khách đi thêm 700m nữa là tới điểm Cây Cô Đơn có rất nhiều góc chụp sống ảo. Vé vào cửa chỉ 20.000 đồng/khách. Nếu may mắn, khách có thể săn những ảnh hoàng hôn cực đẹp hoặc đứng giữa biển mây”, chàng trai 24 tuổi tiết lộ.
Theo Đức, Sapa là điểm đến “mang bao nhiêu tiền tới tiêu cũng hết” bởi “giá cả ở đây gần như không có mốc cố định”.
Khi du lịch Sapa nếu đi theo nhóm sẽ rẻ hơn một chút. Như chuyến đi gần nhất của anh cùng 4 thành viên chỉ cần 3 triệu đồng/người là có những trải nghiệm hầu hết tại các điểm ở đây.
Cụ thể, chi phí đi lại khoảng 600.000 đồng/người vé khứ hồi với xe giường nằm. Nếu đi xe cá nhân hết khoảng 2 triệu đồng tiền xăng toàn chuyến. Trong trường hợp khách đi xe giường nằm, lên Sapa phải thuê xe máy tầm 100.000 đồng/ngày/xe nếu biết mặc cả.
Về phòng nghỉ, Đức cho rằng sẽ tùy gu và nhu cầu mỗi người. Anh cần phòng yên tĩnh, khép kín và sạch sẽ nên thường chọn ở homestay với giá khoảng 600.000 đồng/đêm dành cho 2 người. Giá này bao gồm cả bữa sáng.
Các điểm tham quan ở Sapa có mức giá vào cửa cụ thể như bản Cát Cát là 150.000 đồng/người lớn và 70.000 đồng/trẻ em. Giá đi Fansipan từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng tùy theo dịch vụ lựa chọn.
Lẩu cá tầm có giá khoảng 500.000 đồng/kg bao gồm công chế biến. Nếu khách đi nhóm 4 người thường ăn hết một con cá khoảng 1kg. Mỗi bữa ăn sẽ dao động từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng dành cho 4 người.
“Với tôi, Sapa vẫn là điểm đến tuyệt vời nhưng cần có cách quản lý du lịch tốt hơn để kéo khách muốn quay lại. Bản thân mỗi du khách cũng nên trở thành người tiêu dùng thông minh để có những chuyến đi phù hợp với tiêu chí và túi tiền”, anh cho biết.
Ảnh: Phạm Công Đức
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich1-vn.blogspot.com/2023/11/du-khach-ha-noi-tiet-lo-kinh-nghiem-i.html
0 nhận xét:
Post a Comment