Đêm giữa tháng 10-2023, mưa dầm dề ở Tân Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình). Tôi nằm trong căn phòng rộng 30m2 của homestay Hoàng Dương, lòng lại “cầu trời cho có lụt”. Mong muốn nghe kỳ cục đó cũng là mong muốn của những người dân Tân Hóa, bởi đây là một vùng đất khác thường, với cách làm homestay cũng khác thường.
Tối 19-10 , những người dân Tân Hóa thấy tên ngôi làng thân thương của mình được xướng lên trong lễ trao giải thưởng Làng du lịch tốt nhất của UNWTO (Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hiệp Quốc).
Đa số người ở Tân Hóa là dân tộc Nguồn (mang ý nghĩa là đầu nguồn nước), có tiếng nói riêng nhưng không được coi là người dân tộc thiểu số vì thuộc nhóm Việt – Mường. Vì vậy, Tân Hóa không được hưởng những chính sách ưu đãi dành cho người dân tộc thiểu số, dù nằm trong huyện Minh Hóa, 1 trong 61 huyện nghèo nhất Việt Nam (được hưởng các chính sách xóa đói giảm nghèo, hướng tới phát triển bền vững thuộc chương trình nghị quyết 30A/2008 của Chính phủ). Nhưng Tân Hóa nay đã thoát nghèo, ra khỏi danh sách 30A.
Cả xã Tân Hóa nằm trong một thung lũng xung quanh bao bọc bởi trùng trùng điệp điệp dãy núi đá vôi. Cứ mưa lớn vài ngày là nước lũ lượt đổ về, biến Tân Hóa thành “rốn lũ” – cái “danh hiệu” gắn chặt với xã từ hồi tháng 10-2010 khi cơn lụt lịch sử 12m nước nhấn chìm mọi nóc nhà ở đây.
“Nước lên nhanh lắm, dân chỉ kịp chạy thoát thân lên lèn (núi đá). Trâu biết bơi nên còn đỡ, chứ ịt (heo), bò, gà chết trôi nhiều vô kể. Trực thăng của Quân khu 4 vô tiếp lương thực cứu đói nhưng bay vòng vòng mãi mà chả biết thả ở mô vì dân ẩn náu tản mác trong cả chục ngọn núi, có thấy được chi mô. Sau phải cho xuồng máy đi vô tìm, xác định địa điểm mà thả mì gói, nước uống. Hai đợt nước lụt liên tiếp chỉ cách nhau bảy ngày làm dân ở đây thường ngày đã nghèo lại càng thêm đọa” – ông Trương Sơn Bài, năm nay 72 tuổi, từng hai nhiệm kỳ làm chủ tịch xã, nhớ lại.
Ông Trương Bá Sơn – năm nay 40 tuổi, một người hiếm hoi đã “thoát ly” làng nhờ đeo đuổi học IT ở Vinh và có được việc làm, lại trở về quê làm du lịch để được gần nhà – kể: “Tui chỉ kịp lấy đò đưa mẹ với vợ con lên lèn chứ không mang theo được gì. Nước rút bớt bớt rồi, về lại thấy cái nhà mình vướng ở ngọn pheo (tre) cách đó hơn 100m.
Khổ chi mà khổ lạ. Ngày thường đã khổ rồi lại thêm cái nạn lụt. Ngày thường quơ cào làm đủ thứ mà cũng không đủ ăn, mỗi năm đến tháng 9, tháng 10 lại nơm nớp nước lụt. Trồng trọt chỉ loanh quanh mấy thứ ngắn ngày như bắp, sắn. Nuôi trâu bò thì qua lụt, bùn đóng lớp làm cỏ chết hết, rứa là phải lũ lượt qua tận bên Lào (cách 25-30km) mà cắt cỏ. Ở đây không bỏ xứ mà đi mới lạ…”.
Bỏ xứ để mưu sinh là mẫu số chung của nhiều làng quê miền Trung vốn “trời hành cơn lụt mỗi năm”. Theo lãnh đạo xã Tân Hóa, dân số ở đây trên 3.300 người, nhưng có đến cả ngàn thanh niên vào Nam kiếm sống.
“Tân Hóa chừ bớt buồn nhiều rồi. Chí ít cũng có hơn 100 thanh niên ở lại phục vụ du lịch. Mùa ni (tháng 10) ngồi chơi canh lụt, chiều chiều anh em tụ họp làm vài ba chén rạo (rượu) bàn tán chuyện thời tiết. Bàn mà vui chứ không lo như ngày xưa, vì nhà mô cũng có nhà nổi hết rồi, nên kệ, nước có lên cũng không lo” – ông Trương Xuân Hùng, phó chủ tịch xã, cười nói.
Khởi đầu cho sự thay da đổi thịt ở Tân Hóa, ông Trương Sơn Bài nhớ lại: “Ngày xưa có ai ngờ mấy cái hang trong núi như Tú Làn, hang Tiên, hang Chuột… mà chừ thành đặc sản du lịch. Cũng may sau cái đận 2010, có hai phương án được đề xuất để cứu Tân Hóa là cho đặt thuốc nổ mở rộng hang Chuột giúp nước thoát nhanh hơn khi có lụt, hay di dời làng đi nơi khác đều không được lãnh đạo tỉnh và người dân chấp thuận. Đúng là Pụt (Bụt) không lấy hết của con người… (cười)”.
Ngồi nói chuyện với người dân Tân Hóa sẽ nghe họ nhắc nhiều đến Nguyễn Châu Á – một người nổi tiếng trong làng du lịch mạo hiểm. Nhưng Á thường nói là anh gặp may. Anh gặp được Howard Limbert – chuyên gia hang động Hoàng gia Anh, người đã gắn bó với Quảng Bình hơn 30 năm. Không có Howard, khó mà nghiên cứu, thám hiểm hệ thống hang động của vùng này. Như hệ thống hang động ở Phong Nha, Tân Hóa, người dân xưa chỉ biết có cái miệng hang, khi đi rừng cùng lắm chỉ vào sâu được vài chục mét.
Ông Hồ Khanh, người được ghi nhận là tìm ra hang Sơn Đoòng, thường nói: “Ngày xưa mình đi rừng, đôi khi trú mưa, tìm nước thì chỉ đốt đuốc vào một chút chứ có dám đi sâu đâu. Phải có vợ chồng ông Howard cùng các cộng sự của họ thì mới tìm ra hết những ngóc ngách để xây dựng thành tour du lịch thám hiểm được”.
Phía Tân Hóa cũng thế, có nhiều núi đá vôi, có nhiều hang động nhưng sâu bên trong nó là gì thì không ai hay. Nguyễn Châu Á đưa đội của ông Horward sang khám phá, tìm hiểu. Năm 2011, tỉnh Quảng Bình cấp phép cho Công ty Oxalis của anh khảo sát và chạy thử nghiệm các tour du lịch mạo hiểm hệ thống hang Tú Làn. Đến năm 2014, tuyến du lịch khám phá Tú Làn chính thức hoạt động với chín tour, theo nhiều cấp độ khác nhau.
Vấn đề là khách du lịch đi xong tour hang đều phải về lại Phong Nha để nghỉ bởi Tân Hóa chưa hề có cơ sở lưu trú. Ai mà dám đầu tư khi gần như năm nào vùng đất này cũng ngập trong lũ lụt? Vì vậy, con đường đưa Tân Hóa đến giải Làng du lịch cộng đồng tốt nhất thế giới của UNWTO hôm nay là một câu chuyện dài đi từng bước một.
Đầu tiên, nói như ông Hồ An Phong, phó chủ tịch tỉnh Quảng Bình (trước đó là giám đốc Sở Du lịch): “Muốn phát triển du lịch, điều tiên quyết là cơ sở hạ tầng như điện nước, đường sá phải tốt. Đến năm 2014, chỉ cần mưa bình thường thôi, người dân ở Tân Hóa còn vất vả vì chưa có cầu đường trong nội bộ xã. Phải nói rằng chính nghị quyết 30A của Chính phủ đã giúp Tân Hóa có được hệ thống điện đường trường trạm hoàn chỉnh. Sau đó là nỗ lực cùng sáng tạo của người dân và góp sức của doanh nghiệp có tâm và tầm”.
Vai trò người dân, ông Phong nhìn nhận là chuyện sáng tạo nhà phao chống lũ. Cụ thể là ai thì “Thật khó mà nói – ông Trương Sơn Bài nhận xét – Theo tôi, đó là sáng kiến chung của người dân. Sau cơn lũ lịch sử 2010, người dân Tân Hóa như bị đẩy đến đường cùng, họ buộc phải sáng tạo. Sự sáng tạo cũng bắt nguồn từ quan sát trong dân gian, ví dụ từ xa xưa là lấy thân cây chuối làm bè để chất các vật dụng lên đó chạy lụt.
Sau 2010 đã có thùng phuy, người dân chúng tôi nghĩ đến việc làm những ngôi nhà vật liệu nhẹ đặt lên trên ấy để khi nước lên thì nhà lên theo. Cứ thế, nó dần dà được hoàn thiện để được như bây giờ, mỗi nhà đều có các trụ cao tầm 6-9m, tròng đai sắt vào để khi nước lên nhà không bị trôi. Nước lên cao hơn nữa thì nhà nào cũng chuẩn bị dây thừng để neo. Bây giờ nhà nào cũng biết tính toán cứ mỗi m2 là cần một thùng phuy. Nhà tôi 7 người, làm căn nhà 35m2 cần 35 thùng, tốn tầm 120 triệu đồng. Chấp lụt!”.
Riêng với gia súc, người dân Tân Hóa có một cách làm khác, cũng từ kinh nghiệm chạy lụt mà ra. Họ không làm chuồng gia súc sau nhà. Cứ 1, 2 thôn lại dành riêng một khu đất lớn gần núi, từng nhà làm chuồng cho trâu bò ở gom vào đấy. Khi lụt, họ đưa trâu bò lên lèn nhanh hơn. Sau đại lụt 2010, chính quyền xây hai căn nhà lớn trên núi cho người dân chạy lụt, nhưng xây xong thì nhà chống lũ đã có nên bây giờ hai căn nhà lớn như hội trường ấy trở thành nơi trâu bò trú lụt – dân ở đây gọi đùa là resort cho bò. Cách làm riêng này cũng giúp cho khách ở homestay không ngại ngần chuyện vệ sinh môi trường như ở nhiều nơi khác.
Chương trình làm nhà phao chống lụt cho dân Tân Hóa gần như được xã hội hóa hoàn toàn. Các doanh nhân, doanh nghiệp tham gia Tú Làn Race, đồng cảm và yêu mến nơi đây đã làm tặng rất nhiều nhà phao. Hiện tại, 100% hộ dân ở Tân Hóa có nhà chống lũ với khoảng 700 căn.
Khi cuộc sống người dân không còn bị lũ lụt uy hiếp, cơ sở lưu trú xuất hiện mà hạt nhân là Tú Làn Lodge, tiếp đến là 10 căn homestay đều đạt chuẩn như Hoàng Dương mà tôi đã ở.
Hệ thống hang Tú Làn, hang Tiên, Hung Ton, hang Chuột… tuyệt đẹp đã xuất hiện trên Nat Geo, Lonely Planet, CNN Travel, cũng là địa điểm để quay nhiều bộ phim, mà đình đám nhất có lẽ là bộ phim bom tấn của Hollywood Kong: Skull Island.
Các tour du lịch hấp dẫn này đã giúp Tân Hóa đón 9.437 khách du lịch đến trong chín tháng đầu năm 2023, năm 2022 là 9.304, ngay cả năm đỉnh dịch COVID-19 năm 2021 cũng có được 3.508 khách.
Và Tân Hóa không chỉ có hang động. Ẩm thực ở đây có nhiều nét độc đáo, như món pồi chẳng hạn. Đó là một loại bánh hấp làm từ bột bắp trộn với khoai mì tươi mài nhuyễn. Pồi vàng ruộm bắt mắt, ăn dẻo và thơm. Thuở xưa, pồi với người Tân Hóa như cơm với người đồng bằng, nhưng làm pồi khá cực nên người Tân Hóa giờ cũng ăn cơm, chỉ làm pồi vào những dịp đặc biệt.
Với món ốc, dân Tân Hóa chỉ bắt con ốc tực (đực), ít khi bắt ốc cái để ăn để giúp nó tiếp tục sinh sôi nảy nở. Những món cá thính chua, heo nướng lá chanh, canh cá nấu lá giang và chuối xanh… ở vùng đất này sẽ làm mê đắm những ai ưa tìm nét đặc sắc trong văn hóa vùng miền qua ẩm thực.
Trong những đêm lưu trú ở homestay là những cuộc trò chuyện thật dài và hào hứng với người dân bản địa – chủ nhà, nghe những câu chuyện văn hóa ly kỳ cả đêm không hết. Nhưng phía sau những duyên dáng văn hóa ấy là một hành trình làm homestay gian truân. Người nông dân không thể thành CEO du lịch sau một đêm. Họ không thể tự quảng bá, tìm kiếm du khách được. Và ở nhiều homestay, người dân bản địa lại trở thành người làm thuê cho các doanh nhân dưới xuôi lên đầu tư – một điều đi ngược lại bản chất của du lịch cộng đồng, vì thế mà không thể phát triển bền vững.
Để tránh những vết xe đổ đó, Nguyễn Châu Á cho biết đầu tiên anh tổ chức cho 10 gia đình làm homestay và 10 gia đình lo chuyện ăn cho du khách. Nguồn khách cho họ là du khách đi tour hang động về. Sau một thời gian thử nghiệm, cả chủ nhà và khách đều hài lòng. Bình quân mỗi tháng một homestay có được từ 15-20 đêm đón khách.
“Chúng tôi đầu tư vào họ, 150 triệu đồng/căn, nên không bỏ mặc họ tự bơi. Mỗi hộ dân được hưởng 60% nguồn thu, trừ chi phí điện nước, họ có từ 7-10 triệu đồng/tháng. Nhưng đích đến cuối cùng của du lịch cộng đồng là người dân làm chủ hoàn toàn, dưới mô hình hợp tác xã. Để đạt được điều đó, họ phải là người có nghề thật sự” – Châu Á nói.
Nhưng người Tân Hóa có nghề thật sự trong lĩnh vực du lịch từ đâu ra? Hiện trong làng có ba gia đình cho con theo học cao đẳng du lịch ở Nha Trang, ba người khác đang là hướng dẫn viên, nhân viên an toàn của các tour du lịch hang động đang theo học Cao đẳng Du lịch Sài Gòn với kinh phí do Oxalis tài trợ. Hằng năm, cứ hết mùa đi hang, vào tháng 10 các thầy cô từ trường về tận nơi để dạy. Lực lượng này trong tương lai sẽ là hạt nhân để xây dựng HTX Làng du lịch cộng đồng Tân Hóa.
Các thành viên của những hộ làm homestay, làm dịch vụ ăn uống cũng được đào tạo cẩn thận. Chị Dương, vợ của anh Hoàng – chủ homestay Hoàng Dương, cho biết họ được học từ cách dọn buồng, đến những điều nên và không nên làm khi gặp du khách.
“Chi tiết lắm, có kiểm tra đàng hoàng, ai đậu mới được làm homestay” – chị nói. Hai cô con dâu của ông Bài đảm nhận cung ứng dịch vụ ăn uống cũng cho biết họ được học kỹ lưỡng về vệ sinh an toàn thực phẩm và phải cải tạo lại nhà bếp cho phù hợp tiêu chuẩn. Tất cả là một hành trình học hỏi và thích ứng không ngừng của những người dân nơi này, để ngôi làng của họ thành một nơi thật sự đáng tìm tới.
HUY THỌ
HOÀNG TRUNG
NGỌC THÀNH
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich1-vn.blogspot.com/2023/10/tan-hoa-tu-ron-lu-en-ngoi-lang-du-lich_28.html
0 nhận xét:
Post a Comment