Định vị thương hiệu Đà Lạt – Thiên đường xanh trong phát triển du lịch bền vững ~ DU LỊCH VIỆT NAM

Thursday, October 26, 2023

Cầu đáy kính nối thung lũng Tình Yêu với đồi Mộng Mơ - Ảnh: MAI VINH

Cầu đáy kính nối thung lũng Tình Yêu với đồi Mộng Mơ – Ảnh: MAI VINH

Trong định hướng quy hoạch xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận, nơi đây sẽ trở thành một trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, hướng tới du lịch thông minh. Khuyến khích phát triển các loại hình du lịch đặc trưng mang thương hiệu Đà Lạt – Lâm Đồng. Xây dựng hình ảnh, định vị thương hiệu để lan tỏa thương hiệu “Đà Lạt – Thiên đường xanh” trong phát triển du lịch bền vững.

Những thách thức trong phát trển du lịch bền vững

Trong những năm gần đây, đối với nhiều du khách yêu thích du lịch và khám phá, tham quan, du lịch tại thành phố Đà Lạt có thể nhận thấy thành phố cao nguyên này đã không còn như mong đợi của nhiều tín đồ vẫn gọi thành phố của ngàn hoa, thành phố sương mù, thành phố ngàn thông hay tiểu Paris của Việt Nam.

Quá trình phát triển du lịch của thành phố vẫn đang tồn tại những hạn chế. Liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng còn nhiều bất cập. Chưa có sự liên kết bài bản, chặt chẽ và bền vững… dẫn đến tình trạng sản phẩm du lịch đơn điệu, trùng lắp, thiếu tính đặc trưng và chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh chưa cao. Vì vậy doanh thu từ dịch vụ chưa tương xứng với lượng khách du lịch hiện có.

Hạ tầng giao thông đường bộ, hàng không kết nối giữa Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung với các vùng du lịch trọng điểm tuy đã được phát triển, mở rộng nhưng vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển du lịch của địa phương, chưa phát huy hết tiềm năng liên kết vùng.

Công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch đối với thị trường nước ngoài còn hạn chế. Nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.

Sự phối hợp giữa các sở, ngành, cơ quan, địa phương và đơn vị liên quan trong phát triển du lịch còn chưa đồng bộ và thống nhất. Việc hỗ trợ đầu tư của trung ương vào kết cấu hạ tầng gặp nhiều bất cập, chưa thúc đẩy các nhà đầu tư thực hiện dự án và thu hút khách vào khu du lịch.

Do đó, để khắc phục những hạn chế trên, để xây dựng Đà Lạt xứng đáng là trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế – văn hóa, khoa học – kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; thành phố Đà Lạt là đô thị du lịch quốc gia và đô thị di sản, thành phố cần có những bước đi cơ bản và sáng tạo, bền vững.

Lan tỏa, định vị thương hiệu và định hướng phát triển du lịch Đà Lạt bền vững

Một số mục tiêu của ngành du lịch Lâm Đồng nói chung và du lịch Đà Lạt nói riêng: Trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững, tạo động lực cho sự phát triển của các ngành liên quan; tạo bước đột phá phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ. Phấn đấu trở thành “Thiên đường xanh” với sức hút của các trung tâm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng – chăm sóc sức khỏe hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.

Thành phố Đà Lạt trở thành đô thị du lịch chất lượng cao, hiện đại, đẳng cấp quốc tế, gắn với các thương hiệu: Thành phố Tình yêu, Thành phố Di sản, Thành phố Sáng tạo, Thành phố Di sản của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.

Các khu du lịch trọng điểm như hồ Tuyền Lâm, hồ Đại Ninh, Đankia – Suối Vàng được đầu tư toàn diện và xứng tầm, trở thành các điểm nhấn đặc sắc cho thương hiệu du lịch Lâm Đồng.

Thứ nhất: Hình thành thêm trung tâm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng – chữa bệnh – chăm sóc sức khỏe.

Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho du khách dựa trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khác biệt của địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và giữ gìn cảnh quan bền vững. Tạo được sự khác biệt dựa trên sản phẩm du lịch đặc thù và sự bứt phá để tạo sức hấp dẫn và nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch.

Thứ hai: Đà Lạt tập trung đầu tư 6 nhóm sản phẩm du lịch chính: Du lịch nghỉ dưỡng – chữa bệnh chăm sóc sức khỏe – thể thao cao cấp (golf, đua ngựa,..); du lịch sinh thái – mạo hiểm; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch đô thị (tham quan nghiên cứu đô thị di sản, tham gia lễ hội, sự kiện, mua sắm, vui chơi giải trí đặc biệt về đêm); du lịch sáng tạo (xây dựng trên nền tảng của công nghiệp sáng tạo và công nghệ 4.0 để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, đa dạng và độc đáo).

Thứ ba: Ưu tiên đặc biệt cho nhóm sản phẩm du lịch đặc thù chuyên đề là thế mạnh nổi trội và đặc trưng riêng có của Đà Lạt, để đẩy mạnh nâng tầm tạo điểm nhấn thương hiệu cho du lịch Lâm Đồng.

Chú trọng thúc đẩy 5 nhóm sản phẩm du lịch bổ trợ trên cơ sở gắn kết liên ngành, liên vùng, liên mùa và các sản phẩm du lịch thích ứng với biến đổi thiên nhiên, xã hội, để tăng cường hiệu quả doanh thu cho du lịch trong mùa thấp điểm.

Thứ tư: Để thực hiện mục tiêu phát triển thành phố Đà Lạt trở thành đô thị du lịch chất lượng cao, hiện đại, đẳng cấp quốc tế, gắn với các thương hiệu: Thành phố Tình yêu, Thành phố Di sản, Thành phố Sáng tạo, Thành phố Di sản của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc…, cần có chính sách quản lý đô thị hiệu quả, song song giữa bảo tồn và phát triển.

Bên cạnh việc bảo tồn cảnh quan các giá trị di sản đô thị, nâng cấp chất lượng các khu, điểm tham quan du lịch hiện có, tập trung đầu tư hoàn thiện 3 khu du lịch nghỉ dưỡng tích hợp, quy mô lớn: hồ Tuyền Lâm, hồ Đại Ninh, Đankia – Suối Vàng xứng tầm, trở thành các điểm nhấn đặc sắc cho thương hiệu du lịch Lâm Đồng.

Diễn đàn Hiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững

Nhằm tìm kiếm những ý tưởng, đề xuất thực tiễn có tác động đến cảnh quan, trật tự, cải thiện chất lượng du lịch và xây dựng lại tình cảm trong lòng du khách, UBND thành phố Đà Lạt sẵn lòng lắng nghe những chia sẻ của người dân, các cơ quan chức năng và các chuyên gia từ chuỗi hoạt động trong diễn đàn “Hiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững”.

Báo Tuổi Trẻ rất mong nhận được các bài viết và ý kiến đóng góp từ quý độc giả.

  • Thời gian: Từ tháng 10-2023 đến ngày 8-11-2023
  • Thông tin đăng tải trên nhật báo Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Online
  • Lễ trao giải kết hợp hội thảo để lãnh đạo thành phố lắng nghe, tiếp nhận…

HÌNH THỨC:

  • Bài viết tối đa 1.200 chữ, kèm hình ảnh, video là điểm cộng;
  • Bài thiết kế hình ảnh: từ 3 – 8 tấm, kèm chú thích;
  • Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh (nếu là người nước ngoài);
  • Các bài, clip hiến kế sẽ được lựa chọn để đăng trên báo Tuổi Trẻ, diễn đàn… Các tác phẩm được chấm nhuận bút. Qua đó, ban tổ chức sẽ xét duyệt chấm giải và trao thưởng;
  • Bài dự thi, hiến kế chưa từng tham gia cuộc thi nào được tổ chức trước đây, không tham gia bất kỳ cuộc thi nào đang diễn ra, chưa từng đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội;
  • Người tham gia chịu trách nhiệm về bản quyền cũng như yêu cầu của ban tổ chức.
  • Bài dự thi gửi về địa chỉ email: hienkedulichdalat@tuoitre.com.vn. Vui lòng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng.

CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG:

Ban tổ chức sẽ lập hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu để xét chấm các ý kiến góp ý, hiến kế chất lượng, có tính góp ý xây dựng cho du lịch Đà Lạt trong tương lai. Qua đó sẽ xét giải cho các bài chất lượng:

  • 1 giải nhất trị giá 10 triệu đồng + kèm voucher du lịch tại Đà Lạt.
  • 1 giải nhì trị giá 7 triệu đồng + kèm voucher du lịch tại Đà Lạt.
  • 1 giải ba trị giá 5 triệu đồng + kèm voucher du lịch tại Đà Lạt.
  • 10 giải khuyến khích trị giá 2 triệu đồng/giải.

ĐỊNH VỊ VÀ LAN TỎA THƯƠNG HIỆU “ĐÀ LẠT – THIÊN ĐƯỜNG XANH” TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG - Ảnh 3.

Nguồn: Sưu tầm

https://diendandulich1-vn.blogspot.com/2023/10/inh-vi-thuong-hieu-lat-thien-uong-xanh.html

0 nhận xét:

Post a Comment