Những giá trị độc đáo, khác biệt của miền nắng gió sẽ được trình diễn ở Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận 2023 ~ DU LỊCH VIỆT NAM

Friday, April 14, 2023

Sáng 13/4, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Thuận tổ chức Họp báo về kế hoạch tổ chức Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023 và đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp". 

Dự họp có lãnh đạo các Sở ban ngành cấp tỉnh và đại diện các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Tôn vinh cây nho Ninh Thuận

Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận - Hội tụ những giá trị khác biệt miền nắng gió - Ảnh 1.

Vườn nho ngón tay đen không hạt (NH04-102) được nông dân Ninh Thuận trồng thành công. (Ảnh: Đức Cường)

Theo đó, Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023 sẽ được tổ chức từ 13 - 18/6 sắp tới với chủ đề "Ninh Thuận – Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt" gồm chuỗi 12 hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc, mới lạ, mang đặc trưng riêng của miền nắng gió.

Trong đó, có những hoạt động chính nhằm tôn vinh giá trị cây nho Ninh Thuận như: Tham quan trải nghiệm vườn nho, thi giàn nho đẹp, hội thảo phát triển giá trị cây nho và sản phẩm từ nho…

Tại buổi họp báo, ông Trương Khắc Trí – Phó giám đốc Sở NN&PTNN cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 1.060 ha trồng nho với sản lượng hằng năm khoảng 26.500 tấn. 

Hiện nay, các địa phương đang đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các vùng trồng nho chất lượng cao với các giống nho mới.

Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận - Hội tụ những giá trị khác biệt miền nắng gió - Ảnh 3.

Du khách tham quan và trải nghiệm cảm giác "hái tận tay, ăn ngay tại vườn" ở Ninh Thuận. (Ảnh: Đức Cường)

Cụ thể, tỉnh Ninh Thuận đã phát triển được 344 ha nho ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 214 ha nho trồng theo tiêu chuẩn VietGap và nho hữu cơ, cho ra những quả nho đảm bảo chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

"Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận 2023 là cơ hội để tỉnh Ninh Thuận quảng bá cây nho và các sản phẩm từ nho đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Là dịp để người trồng nho và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi kinh nghiệm nâng cao giá trị của nho Ninh Thuận trên thị trường…", ông Trí cho hay.

Cơ hội phát du lịch Ninh Thuận

Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc Sở VHTT&DL Ninh Thuận cho biết, trong khuôn khổ Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận 2023, sẽ có nhiều hoạt động đặc trưng chỉ có ở vùng đất nắng gió nhằm thu hút du khách như: Giải đua xe ôtô - môtô địa hình trên cát và đua xe đạp đường trường Ninh Thuận - Bình Thuận mở rộng.

Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận - Hội tụ những giá trị khác biệt miền nắng gió - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VHTT&DL Ninh Thuận phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: Đức Cường)

Song song đó, còn có hội chợ ẩm thực quy mô cấp tỉnh lần đầu tiên được tổ chức với các món ăn mang đặc trưng riêng của miền nắng gió mang chủ đề "Hương vị ẩm thực Ninh Thuận".

"Đây sẽ là cơ hội để quảng bá hình ảnh, quê hương, con người, cảnh quang thiên nhiên và các sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận để phát triển du lịch. Qua đó, cụ thể hóa kế hoạch đưa du lịch tỉnh Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030…", ông Hòa cho hay.

Ngoài ra, Lễ hội Nho và Vang lần này còn có nhiều hoạt động khác như: Hội chợ công thương khu vực Nam Trung Bộ - Ninh Thuận 2023; chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố; hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm"; trải nghiệm làng gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và hành trình khám phá khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa; hội thi nét đẹp văn hóa các dân tộc Ninh Thuận lần thứ II/2023...

Lễ hội Nho và Vang cũng là dịp để tỉnh Ninh Thuận đón nhận Bằng công nhận của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp".

Theo kế hoạch, lễ khai mạc sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 16/6 tại Quảng trường 16 tháng 4 ở TP.Phan Rang-Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận.

Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận - Hội tụ những giá trị khác biệt miền nắng gió - Ảnh 6.

Phụ nữ làng Chăm Bàu Trúc trình diễm kỹ thuật làm gốm hoàn toàn bằng tay. (Ảnh: Đức Cường)

Ninh Thuận có bờ biển dài và đẹp với hơn 105km với những bãi biển hoang sơ, hệ sinh thái biển đa dạng cùng thời tiết nắng ấm quanh năm; có tuyến đường ven biển rất đẹp và thuận lợi trong việc kết nối các điểm đến thuộc dải ven biển tỉnh Ninh Thuận.

Đồng thời cũng là tỉnh có bức tranh về văn hoá nhiều màu sắc với những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể rất độc đáo như: Nghệ thuật văn hóa Chăm với những làn điệu dân ca, điệu múa Chăm, các nghề truyền thống và những phong tục tập quán, các nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm.

Vịnh Vĩnh Hy ở Ninh Thuận. Ảnh: PV

Điển hình là Lễ hội Katê; dệt thổ cẩm thủ công Mỹ nghiệp; làng nghề gốm Bàu Trúc cổ xưa nhất Đông Nam Á, đặc biệt "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp"; tháp Pôklông Garai và tháp Hoà Lai được công nhận là di tích cấp Quốc gia đặc biệt.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng; có hệ sinh thái biển, rừng, rạn san hô đa dạng phong phú với cảnh vật thiên nhiên hoang dã, thơ mộng và nhiều di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp Quốc gia (Ninh Thuận hiện có 239 di tích, di sản văn hoá phi vật thể, 18 di sản cấp Quốc gia và 46 di tích, di sản cấp tỉnh); có 2 vườn quốc gia là Phước Bình và Núi Chúa còn mang đậm nét rừng nguyên sinh với hệ sinh thái thực vật đa dạng và phong phú.

Trong đó Núi Chúa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Thêm vào đó, Vịnh Vĩnh Hy của Ninh Thuận cũng được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia, là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam.

https://diendandulich1-vn.blogspot.com/2023/04/nhung-gia-tri-oc-ao-khac-biet-cua-mien.html

0 nhận xét:

Post a Comment