Lan tỏa giá trị bản sắc văn hóa
Nói đến homestay A Chu, nhiều người biết là nói về chàng trai người H’Mông, khát vọng làm giàu bằng du lịch, cùng đó là bảo tồn, lan tỏa giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc H’Mông. Thế nhưng còn có những câu chuyện mà chưa một lần Tráng A Chu chia sẻ trên báo, những gian khổ, trăn trở, đau đáu mà A Chu từng đối mặt.
Homestay A Chu nằm bên cạnh nhà Văn hóa, thuộc bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, cách cung đường quốc lộ 6 khoảng gần 1km.
Nhìn từ cổng và khu vườn của homestay A Chu đã cho du khách cảm nhận phong cách của đồng bào vùng cao với nét đặc trưng cổng bằng tre, đào, rau cải mèo được trồng rất nhiều trong vườn. Bước vào ngôi nhà sàn chung lại càng thấy rõ nét sinh hoạt, đời sống của đồng bào dân tộc Mông.
Từ những bàn gỗ, ghế gỗ mộc, không hoa văn cầu kỳ đến những lương thực như quả bí ngô đỏ, chùm bắp ngô vàng óng… được treo trên những giỏ tre hay những cái máng lợn đã cũ được đánh sạch và thành cái chao bóng đèn.
Từ những đồ vật nhỏ như lọ đựng tăm, thùng rác, nẹp gương trong nhà tắm, đèn, lò sưởi… tất cả đều được làm bằng gỗ hoặc bọc bằng tre. Thậm chí, những dụng cụ làm nương như cái cày, cái bừa, cuốc… cũng được A Chu bài trí hợp lý tạo nên một không gian văn hóa đậm chất của dân tộc H’Mông, gây ấn tượng mạnh cho du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.
A Chu còn biết kết hợp với những gì mình học hỏi ở các khách sạn lớn để đưa ra những quy định sinh hoạt của homestay dành cho du khách khi đến nghỉ dưỡng, khiến cho homestay A Chu gần gũi với thiên nhiên, với văn hóa của người H’Mông, thân thiện nhưng vẫn có sự chuyên nghiệp.
Chia sẻ với PV Dân Việt về những thành quả có được như ngày hôm nay, Tráng A Chu cho biết, anh và vợ đã phải trải qua quá nhiều ngày tháng vô cùng cực nhọc, gian khó.
"Tôi tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trở về huyện cầm tấm bằng cử nhân đi xin việc nhưng đi đến đâu cũng không xin được việc, bởi chỉ tiêu ở huyện đã hết.
Trở về bản, tôi suy nghĩ nhiều đêm và thấy rằng mình không thể tiếp tục cuộc sống như bố mẹ mình, như những người dân ở bản mình, là lên nương làm rẫy, trồng cây lúa, cây ngô, nuôi con gà, con trâu, đầu năm vay tiền cuối năm thu hoạch trả nợ cũng là lúc hết tiền. Tiền để mua cái quần, cái áo, đồ ăn Tết không có.
Nếu cứ tiếp tục sống thế này, cái nghèo sẽ vẫn đeo bám, sẽ không bao giờ thoát được nghèo. Đúng lúc đang trăn trở về điều này thì tôi gặp thầy Dương Minh Bình, khi đó thầy được huyện Mộc Châu mời lên khảo sát để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Nghe thầy Bình nói chuyện tôi vỡ ra nhiều điều. Tôi biết con đường mình định chọn để khởi nghiệp là đây rồi và hai vợ chồng quyết định đi vay vốn để làm du lịch.
Hai vợ chồng lúc ấy trong tay không có tiền, tôi thuyết phục bố, lúc đấy ông đang ốm nặng. Ông đã không đồng ý vì sợ tôi không làm được, thế rồi sau nhiều đêm thuyết phục, bố tôi cũng đồng ý, trong tài khoản của ông còn 50 triệu đồng, ông rút nốt và đưa tôi sổ đỏ đi thế chấp để vay tiền ngân hàng.
Thời điểm tôi dựng nhà sàn là lúc thầy Bình rất bận không lên để chỉ dẫn tôi được, nhưng thầy cử người lên giúp. Tháng 9/2015, tôi hoàn thành ngôi nhà sàn đầu tiên và đón khách", A Chu cho hay.
Theo A Chu, anh nghe theo lời khuyên của thầy mình, làm du lịch theo hướng văn hóa bản địa, tạo được nét riêng thì mới kéo được du khách đến. Vì vậy mà những đồ dùng sinh hoạt của bà con người H’Mông như cái máng lợn, cái cày, bừa, bắp ngô, bí… được anh bài trí ở nhà sàn.
Đã từng có ý định đốt nhà sàn, bỏ làm du lịch
PV hỏi A Chu: Thời kỳ lập nghiệp của hai vợ chồng rất khốn khó, gian truân. Vậy có khi nào, trong một giây phút nào đó muốn bỏ cuộc?
A Chu thốt lên: Có chứ. Khổ không gì tả nổi.
Có lần tôi nói với vợ, đốt nhà sàn thôi, bỏ không làm du lịch nữa!
Hai năm đầu làm du lịch, hai vợ chồng tôi chật vật xoay xở vì vừa nghèo, vừa chưa có kinh nghiệm. Thêm nữa, ngày đó bản Hua Tạt lại đang là tệ nạn ma túy, đồ của khách để ở dưới nhà sàn không thể yên tâm được nên hai vợ chồng mắc võng ngủ ngay dưới nhà sàn vừa phục vụ, vừa trông đồ cho khách.
Sáng ra vẫn phục vụ khách ăn uống như bình thường, suốt một thời gian dài như vậy, hai vợ chồng ốm lăn, ốm lóc nhưng cũng không dám nghỉ. Nếu mệt, kiệt sức quá thì có đứa cháu học ngành y, gọi nó đến truyền nước, truyền đạm, truyền nước hoa quả. Có những lúc mệt quá ngủ gật, tuột cả kim truyền.
Hàng ngày cứ 4h sáng, tôi dậy lấy xe máy đi thị trấn Mộc Châu mua sữa, mua các thứ khác và phải quay về trước 6h để 7h khách kịp ăn sáng. Còn vợ tôi thì dậy mổ gà, nấu mì. Ngày đó, khổ lắm, nghèo lắm, chưa mua được tủ lạnh, tủ cấp đông, nên ngày nào dù giá rét, hay mưa, nắng, tôi cũng đi xe máy như vậy trong suốt gần ba năm. Mãi sau này quen được các nhà xe đi giao bánh mì, bánh cuốn, sữa Mộc Châu… tôi mới có thể đặt đồ và chỉ cần ra đầu đường quốc lộ 6 đón xe.
Kể đến đây, A Chu dường như nhớ lại những ngày tháng cực nhọc, vật lộn với nghề và cũng là những ngày tháng hai vợ chồng căng thẳng, mâu thuẫn nhất.
"Ngày đó vất vả lắm, hai vợ chồng tôi luôn căng thẳng với nhau. Có lúc một dây bát đũa, ấm chén bị ném vỡ, lúc thì máy làm nóng bánh mì thì bay từ trên bàn xuống đất... Chuyện cãi cọ có khi còn xảy ra cả trước mặt khách. Người quen lúc đó thấy hai vợ chồng suốt ngày như vậy liền khuyên bảo, làm chưa có tiền mà cứ cãi nhau suốt ngày thế này thì chỉ có phá thôi.
Thấy họ nói vậy, tôi suy nghĩ, không thể cãi nhau suốt như vậy được, rồi cả hai thống nhất nếu tức quá có nói nhau trước mặt khách thì nói bằng tiếng Mông, không dùng tiếng kinh nữa. Nếu vợ nóng thì chồng nhịn và ngược lại, không cùng nhau tức giận nữa" nói đến đây A Chu bật cười.
Dí dỏm nói thêm, A Chu bảo, làm du lịch thời đó giống như thời kỳ đầu hôn nhân, mới làm thì thích, yêu nhau say đắm, mặn nồng, sau một thời gian thì cãi cọ nhau suốt ngày.
Thắp lửa cho thế hệ trẻ
Sau 8 năm lập nghiệp làm du lịch, đến nay hometay của A Chu đã ngày càng hoàn thiện với 10 phòng riêng và hai nhà sàn chung với quy mô chứa khoảng 60 khách/ngày.
Giờ đây homestay của chàng trai người Mông này đã trở thành địa chỉ "đỏ" của khách du lịch trong nước và du khách nước ngoài mỗi khi đến với Mộc Châu vào những dịp cuối tuần, nghỉ lễ, Tết. Theo A Chu, kỳ nghỉ 30/4-1/5 tới đây, các phòng đã kín khách đặt.
Đặc biệt, cuối tháng 5/2022, homesay A Chu còn vinh dự được Thủ tướng Phạm Minh Chính ghé thăm nhân chuyến đi công tác Tây Bắc.
Khi được hỏi: Gần đây có khu nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao, vậy A Chu có e ngại bên đó sẽ hút hết khách?
A Chu tự tin cho biết, mỗi khu nghỉ dưỡng có một đặc thù, nét riêng. Khu nghỉ dưỡng cao cấp được xây dựng theo chuẩn 5 sao, phòng ốc kiên cố. Giá thuê từ 2.500.000 đồng đến 7.000.000 đồng/phòng/đêm. Còn homestay của anh có nét bản sắc văn hóa riêng. Khách có thể lựa chọn 1 trong 2 hay cả 2 nơi để trải nghiệm.
Hiện nay, có nhiều khách sạn làm ăn theo kiểu chụp giật, tức là những ngày cuối tuần, ngày nghỉ lễ họ nâng giá cao hơn những ngày trong tuần. Một số nơi họ nhận tiền đặt cọc của khách đặt chỗ trước nhưng không hề báo giá, đến khi khách lên đến nơi có thể nói tăng từ 10 đến 20 thậm chí 40%. Giá đang từ 1.000.000 lến đến 1.500.000, thậm chí tăng lên 2.700.000 đồng.
A Chu chia sẻ, anh đã được thầy Bình nói điều này cách đây 6, 7 năm, dặn anh không được làm theo kiểu chụp giật. Mình phải công khai giá cho các lữ hành trước 6 tháng và giữ nguyên như vậy, chứ không nên trong tuần một giá, cuối tuần một giá, và đặc biệt hạn chế phụ thu đối với khách lâu năm và các công ty lữ hành. Và cho đến giờ, anh vẫn thực hiện đúng như vậy cũng như mới hiểu hết được giá trị của những lời dạy bảo đó.
Theo A Chu, đến thời điểm này, khó khăn lớn nhất của người làm du lịch cộng đồng là quy hoạch mục đích sử dụng đất nông nghiệp và thủ tục, chính sách ngân hàng để vay tiền, lấy vốn làm homestay. Khó khăn tiếp theo là các hộ gia đình chưa thật sự để tâm, đầu tư cho du lịch.
Và mong ước lớn nhất của anh là giữ được bản sắc văn hóa của đồng bào mình, thắp lửa cho thế hệ trẻ tình yêu giữ gìn bản sắc, văn hóa của người H’Mông. Xây dựng Bảo tàng trưng bày những đồ dùng sinh hoạt, trang phục, dụng cụ làm nương của người H’Mông, như một cách lưu giữ và bảo tồn văn hóa cho đời sau.
https://diendandulich1-vn.blogspot.com/2023/04/chuyen-chua-ke-ve-chu-nguoi-hmong-lam.html
0 nhận xét:
Post a Comment