Đâu là lý do khiến Tây Ninh trở thành một hiện tượng của du lịch Việt? ~ DU LỊCH VIỆT NAM

Monday, March 13, 2023

Đâu là lý do khiến Tây Ninh trở thành một hiện tượng của du lịch Việt? - Ảnh 1.

Hàng ngàn Phật tử và du khách dâng hoa đăng trong Lễ Vía Quán Thế Âm Bồ Tát tại núi Bà Đen

Theo chân người Khmer qua biên giới Kà Tum

Hai tay vít ga chiếc xe máy đời mới vượt qua những con đường lọc xọc đất đỏ trên cung đường qua biên giới Kà Tum sang Việt Nam, Thon – chàng trai người Khmer đến từ tỉnh Memot (Campuchia) vừa thoăn thoắt up ảnh check-in dưới bức tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn lên facebook, vừa hớn hở inbox với bạn bè.

- Núi Bà Đen năm nay đẹp lắm, hoa phủ đầy trên đỉnh núi. Đến hoa tulip mình chỉ biết có ở Hà Lan cũng được trồng trên núi Bà Đen, lạ quá.

- Sao anh biết đến núi Bà Đen mà chạy xe máy qua biên giới đến tận đây vậy?

- Ô, núi Bà Đen nổi tiếng ở Campuchia lắm, ai cũng biết hết á. Các sư thầy bên nước chúng tôi sang đây hành hương nhiều lắm. Còn tôi năm nào chẳng qua đây chơi ít nhất một lần.

Đâu là lý do khiến Tây Ninh trở thành một hiện tượng của du lịch Việt? - Ảnh 2.

Đỉnh núi Bà Đen luôn ngập trong sắc hoa

Hoá là vậy, núi Bà Đen không phải là ngọn núi thiêng của riêng người Tây Ninh, của riêng người Việt, mà những người láng giềng như Campuchia, Thái Lan, Lào…, với tín ngưỡng Phật giáo ăn sâu bám rễ bao đời, cũng xem núi Bà Đen như một điểm đến linh thiêng phải đến nhiều lần trong đời.

Vào dịp Lễ hội Xuân đầu năm, trên đỉnh núi Bà Đen, cả người Campuchia và khách Việt đều hoà mình vào không gian văn hoá độc đáo mang linh hồn văn hoá người Khmer. Các chàng trai Khmer khi nhún nhảy với chiếc trống Chhay-dăm được làm bằng thân cau già. Các cô gái Khmer đôi mươi duyên dáng trong chiếc áo sà rông đính hạt cườm, hạt kim sa lấp lánh, đầu quấn khăn lụa "Sbay" uyển chuyển trong trong điệu múa Khmer nhịp nhàng. Những điệu múa cổ truyền đó khiến ai đến núi Bà Đen cũng nhấn nhá muốn ở lại, ai chưa đến thì đứng ngồi không yên.

Đâu là lý do khiến Tây Ninh trở thành một hiện tượng của du lịch Việt? - Ảnh 3.

Múa trống Chhay-dăm trong Hội xuân Núi Bà vào tháng Giêng

Ấy là cách mà Tây Ninh khiến du khách mê mẩn, nơi đỉnh núi Bà Đen không chỉ là ngọn non linh đã đi vào huyền thoại và trở thành biểu tượng tín ngưỡng của người dân Nam bộ, mà còn là điểm đến để du khách hoà mình vào thiên nhiên đất trời, khám phá những lớp lang văn hoá bản địa đẹp đẽ, và tìm kiếm không gian để cân bằng thân – tâm – trí giữa cuộc sống bộn bề dễ khiến con người ngột ngạt.

Mở khoá du lịch bằng văn hoá tâm linh

Dăm bảy năm trước, hầu như chẳng mấy ai nhắc đến địa danh Tây Ninh trên bản đồ du lịch nội địa chứ chưa nói đến khu vực. Tây Ninh có gì ngoài một ngọn núi Bà Đen cao nhất miền Nam bộ quanh năm mây phủ dành cho các bà, các chị mỗi năm lên đây một vài lần để tỏ lòng tôn kính với Linh Sơn Thánh Mẫu, và thảng hoặc là vài phượt thủ muốn chinh phục nóc nhà Nam bộ?

Nằm cách TP.HCM chưa đến 100 cây số, nhưng quãng đường ấy lại trở nên quá xa để ai đó quyết định ghé chơi chỉ vì chợt thèm một bát bánh canh Trảng Bàng, thèm vị ốc núi giòn sần sật, hay nhớ vị mặn cay nồng đượm của muối ớt. Sở hữu đến 8 di sản văn hoá phi vật thể - một con số khiến nhiều địa phương phải e dè – nhưng Tây Ninh của ít nhất 5 năm về trước cũng chẳng thể ghi tên trên bản đồ du lịch Việt với Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu, với điệu múa trống Chhay-dăm, nghệ thuật đờn ca tài tử, với nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, hay với nghệ thuật chế biến món chay lừng danh khắp xứ. Các di sản văn hoá phi vật thể đó có thể làm nên linh hồn của một vùng đất trù phú đậm đà bản sắc văn hoá truyền thống, nhưng vẫn chưa thể "hữu xạ tự nhiên hương" để đưa Tây Ninh thành kinh đô du lịch.

Cho đến khi núi Bà Đen cựa mình, bắt đầu từ năm 2020.

Đâu là lý do khiến Tây Ninh trở thành một hiện tượng của du lịch Việt? - Ảnh 4.

Hệ thống cáp treo hiện đại lên đỉnh núi Bà Đen

Tuyến cáp treo đầu tiên đưa du khách lên đỉnh núi chỉ trong 8 phút thay vì phải mất 4 giờ đồng hồ theo đường núi hiểm trở. Chùa Bà được cải tạo, mở rộng với khuôn viên khang trang, dẫn lối du khách đến với hành trình tâm linh an yên với điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu đã có từ 300 năm.

Đặc biệt, lần đầu tiên hàng triệu du khách được lên nóc nhà Nam bộ chỉ sau vài phút đi cáp treo và phóng tầm mắt ra toàn cảnh đồng bằng trù phú với hồ Dầu Tiếng mênh mông và những cánh đồng lúa xanh mướt mát. Ngay trên đỉnh núi là bức tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng cao nhất Châu Á đứng uy nghi hướng tuệ nhãn ra vùng cả đồng bằng Nam bộ rộng lớn.

Đâu là lý do khiến Tây Ninh trở thành một hiện tượng của du lịch Việt? - Ảnh 5.

Buổi giảng pháp của Thiền sư Thích Minh Niệm tại khu triển lãm Phật giáo trong Lễ Vía Quán Thế Âm Bồ Tát

Dưới chân đại tượng Phật, du khách được tiếp cận với thế giới Phật giáo bằng ứng dụng công nghệ hiện đại lần đầu tiên có tại Việt Nam – công nghệ chiếu phim 3D mapping về sự hình thành của vũ trụ dưới lăng kính Phật giáo. Cũng tại quần thể này, các tín đồ được chiêm ngưỡng hàng trăm phiên bản mô phỏng những tác phẩm nghệ thuật Phật Giáo kinh điển, trong đó có nhiều pho tượng Phật nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.

Đặc biệt quanh năm, tại núi Bà Đen diễn ra rất nhiều lễ hội quy mô hút hàng triệu Phật tử và du khách thập phương như Lễ hội Xuân núi Bà Đen (tháng Giêng), Lễ hội Vía Quán Thế Âm Bồ Tát (Tháng 2 âm lịch), Lễ hội Vía Bà (Tháng 5 âm lịch)…

Với cả một quần thể tâm linh kỳ vĩ giữa đỉnh núi được mệnh danh "đệ nhất thiên sơn", núi Bà Đen trở thành điểm đến tâm linh hút khách bậc nhất cả nước. Năm 2019, tổng lượng khách đến với Tây Ninh chỉ đạt hơn 2 triệu người, thì năm 2022 Tây Ninh đã đón 4,5 triệu lượt khách, với doanh thu 1.400 tỷ đồng. Trong tháng đầu tiên của năm 2023, Tây Ninh đã đón lượng khách bằng tổng cả năm 2019. Từ một miền biên viễn lặng lẽ, Tây Ninh trở mình thành ngôi sao mới của du lịch miền Nam bộ.

https://diendandulich1-vn.blogspot.com/2023/03/au-la-ly-do-khien-tay-ninh-tro-thanh.html

0 nhận xét:

Post a Comment