Hơn 50 năm trước, việc khai quật lăng mộ Mawangdui ở Hồ Nam, Trung Quốc đã gây chấn động đất nước này. Thông qua "kho tàng văn hóa" ẩn dưới lòng đất, các nhà khoa học đã có thể phác họa lại đôi điều về cuộc sống hơn 2.000 năm trước.
Trong số các xác ướp được phát hiện tại khu lăng mộ Mawangdui, xác ướp ở ngôi mộ số 1 ẩn chứa nhiều điều bí ẩn khiến các nhà khoa học Trung Quốc dày công tìm hiểu, giải mã.
Ngôi mộ số 1 được khai quật vào tháng 1 năm 1972. Ngôi mộ được đặt trong một hố sâu cách mặt đất 20m, được bảo vệ bằng 4 lớp vật liệu. Lớp thứ nhất là đất bịt kín ngôi mộ, lớp thứ hai là đất sét. Lớp thứ ba được làm từ bùn trắng (thạch cao).
Bí ẩn xác ướp phụ nữ 2.000 năm tóc vẫn mượt, da vẫn mịn
Cuối cùng là một lớp than củi dày hơn 30cm. Theo các nhà khoa học, chính nhờ có nhiều lớp "niêm phong", bảo vệ mà đồ tùy táng cùng xác ướp được bảo quản rất tốt.
Fu Xiaofan, giáo sư tại Đại học Hạ Môn cho biết, khi các nhà khảo cổ thấy những chiếc lá xanh trong lớp bùn thạch cao trắng cách mặt đất hơn 10m, họ cứ ngỡ chúng đã rơi từ trên cây xuống.
Tuy nhiên, sau đó họ tìm thấy những cành cây xanh và những chiếc giỏ tre màu xanh, vàng trong ngôi mộ. "Thật không thể tin đây là những thứ thuộc về hơn 2.000 năm trước", giáo sư này nói.
Đại diện Bảo tàng tỉnh Hồ Nam cho biết, bùn trắng tương đối ẩm, mịn và có độ thẩm thấu cực thấp. Kể từ thời Xuân Thu, trong các ngôi mộ ở lưu vực sông Dương Tử, những gia đình giàu có thường chôn bùn trắng ở mặt trên, mặt dưới và xung quanh của quan tài để bảo vệ lăng mộ.
Sau khi thu thập những tư liệu từ các lớp bảo vệ, các nhà khoa học đã cho mở nắp quan tài. Họ phát hiện, bên trong là một thi thể phụ nữ được quấn chặt trong 18 lớp lụa, bên ngoài buộc 9 dải ruy băng, bên trên phủ hai chiếc áo choàng bông.
Con dấu khắc chữ "Thiếp Tân Truy" được tìm thấy trong các đồ tùy táng đã giúp giải mã bí ẩn về chủ nhân ngôi mộ. Cùng với các thông tin thu thập được qua đồ sơn mài, vải lụa, tranh lụa, con dấu, mảnh tre khi khai quật hai ngôi mộ còn lại trong khu lăng mộ Mawangdui (từ năm 1973 đến năm 1974), các nhà khảo cổ xác định rằng, Tân Truy là vợ của tể tướng từng cai quản một vùng đất rộng lớn thời Tây Hán. Vị tể tướng và con trai cũng được chôn trong lăng mộ, nằm ở ngôi mộ số 2 và số 3.
Tân Truy phu nhân mất khi 50 tuổi, cao khoảng 154cm. Mặc dù đã "ngủ" dưới lòng đất hơn 2.100 năm nhưng cơ thể của phụ nữ này vẫn được bảo quản tốt. Nội tạng của xác ướp còn nguyên. Tóc vẫn mượt, da mềm mại và đàn hồi, các khớp vẫn cử động được, lông mi và lông mũi vẫn còn, màng nhĩ trái còn nguyên vẹn, các ngón tay và ngón chân có đường vân rõ ràng.
Kết quả chụp X-quang cho thấy, xương của xác ướp còn nguyên vẹn, chất lượng xương tương đương với người hiện đại cùng thời. Các mạch máu sau khi khai quật vẫn còn nguyên, chứng tỏ thành mạch máu không bị tổn thương.
Mộ cổ của vị phu nhân này chứa hơn 1.000 cổ vật quý giá như tượng vàng bạc, một bộ sưu tập váy áo lụa, mỹ phẩm, nhạc cụ, đồ sơn mài và đồ gia dụng được chế tác tinh xảo. Điều này cho thấy khi còn sống bà có cuộc sống vô cùng xa hoa.
Nhờ xác ướp được bảo quản một cách tự nhiên khá tốt nên các nhà khoa học đã có cơ sở dựng lại chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt của người phụ nữ giàu có sống cách ngày nay hơn 2.000 năm.
Theo đó, ngày còn sống, Tân Truy phu nhân thường ăn những món ăn dành riêng cho giới quý tộc như thịt nai, cừu và trái cây. Vì vậy, khung xương nhỏ bé của bà đã oằn xuống vì chứng béo phì.
Thói quen ít vận động cũng khiến bà mắc một số căn bệnh như xơ vữa động mạch, sỏi mật, tiểu đường. Trong dạ dày, các nhà giải phẫu còn tìm thấy một số hạt dưa. Họ phỏng đoán người phụ nữ này đã ăn chúng trước khi qua đời vài tiếng. Theo suy luận bệnh lý, bà có thể đã chết vì một cơn đau tim đột ngột.
Việc khai quật xác ướp của Tân Truy phu nhân cùng người chồng tể tướng và con trai được xem là một trong những sự kiện lớn của khảo cổ học Trung Quốc thế kỷ 20. Cùng chôn cất trong khu lăng mộ, trong môi trường kín gió, nước nhưng thi thể của chồng và con trai Tân Truy phu nhân lại không giữ được hiện trạng tốt như của bà. Câu chuyện vì sao cơ thể của bà có thể chống lại sự phân hủy cho đến nay vẫn là một bí ẩn.
Tháng 4 năm 2002, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày khai quật thi thể của Tân Truy phu nhân, người ta đã tiến hành phục dựng chân dung bà qua bốn độ tuổi khác nhau (7, 18, 30 và 50). Việc khôi phục hình ảnh này được cho là có cơ sở khoa học.
Bước đầu tiên, các nhà phục dựng quét tia X hộp sọ của bà vào máy tính, sau đó xác định vị trí và kích thước của các đặc điểm trên khuôn mặt. Ngoài ra, họ dựa trên các bức ảnh chụp thi thể Tân Truy phu nhân khi được khai quật, các tài liệu liên quan và các bức tranh lụa được tìm thấy tại khu lăng mộ Mawangdui. Các kiến thức về nghệ thuật, y học và các lĩnh vực liên quan khác đã được vận dụng để tạo ra bức chân dung của bà.
Xác ướp Tân Truy phu nhân được ngâm trong dung dịch định hình, bảo quản trong quan tài thủy tinh và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hồ Nam. Những di vật thu thập được từ khu lăng mộ cổ của vị phu nhân cùng người thân vô cùng đồ sộ.
Số di vật nhiều tới mức đến năm 2022, Bảo tàng tỉnh Hồ Nam vẫn còn các hoạt động triển khai phân loại và giải mã các di vật này. Mục đích là vừa nhằm bảo tồn, vừa nhằm giới thiệu, phục vụ khách du lịch khi tới viếng thăm Tân Truy phu nhân.
https://diendandulich1-vn.blogspot.com/2023/02/bi-xac-uop-phu-nu-2000-nam-toc-van-muot.html
0 nhận xét:
Post a Comment