Ngôn ngữ và ẩm thực là rào cản kềm chân khách Ấn đến Việt Nam ~ DU LỊCH VIỆT NAM

Tuesday, December 13, 2022

Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, phát biểu tại buổi làm việc, Phó tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy cho biết, Việt Nam và Ấn Độ là đối tác có mối quan hệ chặt chẽ, toàn diện, chiến lược trong nhiều năm qua, trong đó có lĩnh vực du lịch.

Ngôn ngữ và ẩm thực là rào cản kềm chân khách Ấn đến Việt Nam - ảnh 1

Dòng khách cao cấp Ấn Độ là thị trường trọng điểm mà ngành du lịch Việt Nam đang hướng tới khai thác

hoàng trung

Năm 2019, trước đại dịch Covid-19, khách Ấn Độ đến Việt Nam đạt gần 170.000 lượt, tăng 28% so với năm 2018; khách Việt Nam đến Ấn Độ đạt 25.000 lượt, tăng 11,3% so với năm 2018. Trao đổi khách du lịch giữa Ấn Độ và Việt Nam tăng gần gấp 2 lần trong 4 năm (từ hơn 100.000 lượt năm 2016 tăng lên gần 200.000 lượt năm 2019). Giai đoạn 2016 - 2019, khách Ấn Độ đến Việt Nam tăng trung bình 25%/năm và khách Việt Nam đến Ấn Độ tăng trung bình 17%/năm.

Tiếp đoàn công tác của Việt Nam, ông Shri Gyan Bhushan, Cố vấn kinh tế cấp cao - Bộ Du lịch Ấn Độ đánh giá với nền văn hóa và tôn giáo tương đồng, Việt Nam đã trở thành điểm đến phổ biến hấp dẫn khách du lịch Ấn Độ với nhiều loại hình du lịch đa dạng, trong đó có du lịch đám cưới, nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch golf và du lịch mua sắm.

Đồng thời, Ấn Độ là điểm đến được nhiều người Việt Nam lựa chọn với mục đích du lịch tâm linh, du lịch Phật giáo, du lịch chữa bệnh và du lịch cảnh quan.

Tuy nhiên, lượng trao đổi khách du lịch giữa hai bên trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, chưa xứng với tiềm năng phát triển của hai nước.

Theo ông Shri Gyan Bhushan, một trong những hạn chế đối với việc phát triển du lịch của Việt Nam và Ấn Độ là ngôn ngữ và ẩm thực.

"Nhằm thu hút và đáp ứng nhu cầu khách Việt Nam đến Ấn Độ trong thời gian tới đây, Bộ Du lịch Ấn Độ đề xuất tăng cường các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực trong du lịch, trong đó có mở một số khóa học tiếng Việt, đẩy mạnh giao lưu ẩm thực, gửi các đầu bếp Ấn Độ sang Việt Nam học ẩm thực Việt và mở các quán ăn Việt Nam tại Ấn Độ" - vị này thông tin.

Nhất trí với đề xuất của Bộ Du lịch Ấn Độ, Phó tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy cho rằng, thời gian tới, hai bên cần tăng cường hợp tác phục hồi du lịch, trong đó tập trung vào hợp tác tuyên truyền về du lịch an toàn; tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa và khuyến khích người dân hai nước đi du lịch lẫn nhau.

Đồng thời, đề nghị Ấn Độ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam; khuyến khích các hãng hàng không tiếp tục mở rộng mạng lưới đường bay kết nối các thành phố của Ấn Độ và Việt Nam.

Thời gian tới, hai bên cam kết hỗ trợ nhau tổ chức các chương trình phát động thị trường tại mỗi nước; khuyến khích doanh nghiệp tham gia các hội chợ du lịch quốc tế do mỗi bên tổ chức; khuyến khích các địa phương của hai nước hợp tác liên kết; xúc tiến quảng bá du lịch.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu, sở thích của khách Ấn, đặc biệt là phát triển hệ thống nhà hàng phục vụ món ăn Ấn Độ, khu vui chơi giải trí, mua sắm, du lịch đám cưới, du lịch golf và du lịch MICE.

Dân số đông, thu nhập cao, sẵn sàng chi mạnh tay cho những chuyến du lịch đẳng cấp dài ngày…, Ấn Độ cùng các nước thị trường Trung Đông đang là “khách sộp” mà ngành du lịch Việt Nam hướng tới. Thời gian gần đây, một số khách du lịch hạng sang, tỉ phú Ấn Độ có xu hướng mong muốn tìm kiếm các trải nghiệm mới lạ vào những dịp đặc biệt như tổ chức đám cưới, kỷ niệm ngày cưới, tuần trăng mật… Các cặp đôi sẵn sàng chi rất nhiều tiền để có những trải nghiệm thú vị và Việt Nam nắm trong tay rất nhiều lợi thế.

Tin liên quan

https://diendandulich1-vn.blogspot.com/2022/12/ngon-ngu-va-am-thuc-la-rao-can-kem-chan.html

0 nhận xét:

Post a Comment