Thứ hai, ngày 14/11/2022 09:04 AM (GMT+7)
Với vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng tựa như một “thiên đường xám” giữa miền sơn cước địa đầu Tổ quốc, cao nguyên đá Đồng Văn là một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách mỗi khi ghé thăm Hà Giang.
Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 300km và nằm ở độ cao trung bình từ 1.000 – 1.600 m so với mực nước biển, cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng qua 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Cao nguyên đá Đồng Văn được thiên nhiên ban tặng rất nhiều danh lam thắng cảnh hùng vỹ, cùng những di tích lịch sử và văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số.
Những dãy núi xám của đá tai mèo tại cao nguyên đá Đồng Văn được ví như “thiên đường xám” của Hà Giang.
Tọa lạc ở nơi cao nhất của “mỏm cực Bắc,” Di tích lịch sử Quốc gia Cột cờ Lũng Cú - một biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền Tổ quốc Việt Nam (thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) là một niềm mơ ước, là vinh dự và tự hào đối với mỗi người dân Việt Nam khi được đặt chân tới nơi đây.
Dốc Thẩm Mã là con đường đèo uốn lượn nằm trên Quốc lộ 4C chạy từ mảnh đất này đến huyện Mèo Vạc. Đây là một đoạn đèo có 9 khúc uốn lượn nổi tiếng, thu hút người yêu thích khám phá.
Cùng với Mã Pì Lèng hiểm trở, sông Nho Quế từ lâu đã trở thành huyền thoại, đi vào thơ ca và là một trong những biểu tượng của Hà Giang. Từ trên cao nhìn xuống, dòng sông Nho Quế như sợi chỉ xanh lung linh bắc xuống từ trời, ẩn hiện giữa núi rừng đại ngàn.
Công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang) từng gây nhiều tranh cãi hiện đã được cải tạo để làm điểm dừng chân, không có lưu trú cho du khách chiêm ngưỡng cảnh sắc hùng vỹ của núi rừng và dòng sông Nho Quế.
Núi đôi Cô Tiên, một địa điểm thu hút du khách mỗi khi đặt chân đến Quản Bạ.
Về lịch sử văn hóa, dinh thự “Vua Mèo” và bí mật dinh thự hơn 150 tỷ nhà họ Vương Tại Hà Giang là một điểm thu hút sự tò mò của mọi du khách khi tới cao nguyên đá Đồng Văn. Nơi đây chứa đựng câu chuyện lịch sử của “Vua Mèo” Vương Chính Đức - người có sức ảnh hưởng nhất thời bấy giờ đối với dân tộc Mông.
Dinh thự Vua Mèo được xây dựng vào những năm 1898, bởi những người thợ Vân Nam, Trung Quốc chung tay với người của dân tộc Mông và được khánh thành 1907. Dinh thự này tiêu tốn của “Vua Mèo” với số tiền là 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương tương đương 150 tỷ VNĐ cho khoảng 1200m2. Lịch sử lâu đời cùng với nét văn hóa đặc trưng của người Mông, kiến trúc này đã được bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia vào 1993.
Kiến trúc của dinh thự là sự kết hợp 3 nền văn hóa Trung, Pháp và Mông. Tuy nhiên, văn hóa người Mông vẫn là văn hóa chủ đạo trong dinh thự "Vua Mèo". Tổng thể tại dinh thự có 4 căn nhà ngang, 6 căn nhà dọc, chia làm 3 khu vực là tiền dinh, trung dinh và hậu dinh với 64 căn phòng nhỏ sắp xếp trên 2 tầng. Do dinh thự được thi công hoàn toàn bằng sức lực con người, không có sự can thiệp của máy móc nên để đảm bảo được tính kiên cố, những người thi công đã dùng đá xanh giúp cho dinh thự đứng vững dưới dòng thời gian lịch sử.
Từ sự thích nghi với hoàn cảnh sống khắc nghiệt tại cao nguyên đá Đồng Văn, người Mông đã sáng tạo ra những hình thức canh tác mới cũng như những điều kiện văn hóa cho phù hợp để có thể sinh tồn trên những đỉnh núi cao.
Những cánh đồng hoa tam giác mạch, hoa cúc, hoa mơ… khoe sắc màu níu chân du khách khi đặt chân tới nơi đây.
Phạm Hưng
https://diendandulich1-vn.blogspot.com/2022/11/kham-pha-nhung-bau-vat-vo-gia-tai-cao.html
0 nhận xét:
Post a Comment