Chủ Nhật, ngày 20/09/2020 19:00 PM (GMT+7)
Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) được thành lập cuối năm 2015. Qua quá trình xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO, diện mạo của một công viên địa chất toàn cầu đang từng bước định hình.
Núi lửa Giếng Tiền (huyện Lý Sơn) nhìn từ trên cao
Đa dạng giá trị văn hóa, thiên nhiên
Trải dài trên địa bàn 10 huyện, thành phố của tỉnh Quảng Ngãi, Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh có tổng diện tích hơn 5.154km2, trong đó có 2.537km2 diện tích trên đất liền và 2.617km2 diện tích mặt biển, dân số trên 1 triệu người. Nơi đây tích hợp những giá trị địa chất kỳ thú, văn hóa đặc sắc và sinh học đa dạng.
Về địa chất, cụm núi lửa Lý Sơn - Bình Châu và vùng phụ cận phát lộ nhiều loại đất đá, nham thạch tiêu biểu cho các chế độ phun trào khác nhau. Chứng tích của quá trình hoạt động kiến tạo có thể được thấy rõ ở đảo Lý Sơn với nhiều miệng núi lửa đã tắt, tạo nên cảnh quan thiên nhiên kỳ thú như cổng Tò Vò, vách Hang Câu, miệng Giếng Tiền, miệng Thới Lới...
Về văn hóa, Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh có mật độ di sản văn hóa dày đặc, là sự đan xen của nhiều nền văn hóa khác nhau. Đó là văn hóa thời đồ đá cũ và mới, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa và văn hóa Đại Việt. Riêng văn hóa Sa Huỳnh được biểu hiện rõ nhất qua di chỉ khảo cổ hồ Nước Trong, di tích khảo cổ Kho chum Sa Huỳnh, gò Ma Vương..., được các nhà khoa học nhận định có niên đại cách nay 3.000 năm.
Quảng Ngãi được xem như cái nôi của nền văn hóa cổ xưa này, thể hiện qua sự cộng cư của các dân tộc: Kinh, Hrê, Cor, Ca Dong..., tạo nên những sắc màu văn hóa đa dạng, giao thoa, tiếp biến lẫn nhau. Đặc trưng của nền văn hóa Đại Việt được biểu hiện qua hệ thống đền, chùa, miếu mạo hay Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn. Chìm trong vùng biển Bình Châu - Lý Sơn là “nghĩa địa tàu đắm” với hàng chục con tàu cổ chứa đựng nhiều loại hình hiện vật có niên đại từ 500 đến 1.000 năm.
Về đa dạng sinh học, vùng biển thuộc Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh có trên 700 loài động, thực vật, trong đó có 4/5 loài rùa biển có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới gồm: Rùa da, vích, đồi mồi và đồi mồi dứa. Ngoài ra, tại đây còn có nhiều loài động vật trên cạn quý hiếm được Sách đỏ Việt Nam ghi nhận cùng hàng trăm loài thực vật...
Tăng cường truyền thông
Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Với hơn 300 điểm di sản được xác định, Ban quản lý đã chọn 89 điểm dừng chân gồm các di sản tiêu biểu về địa chất, địa mạo, cảnh quan, văn hóa, làng nghề để xây dựng 4 tuyến tham quan: “Bí ẩn nơi đảo thiêng” (phía Đông), “Lục địa cổ - Vũ điệu thời gian” (phía Tây), “Hành trình về những nền văn hóa cổ” (phía Nam), “Tiếng vọng của biển và Ký ức chiến tranh” (phía Bắc) trên nền chủ đề “Miền đất của những chuyển động”.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Trí, việc xây dựng hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh được tiến hành từ năm 2014 đến năm 2019. Đến nay, hồ sơ đã được hoàn thiện, đang trong quá trình thẩm định. Kết quả chính thức sẽ được công bố vào tháng 4-2021. Đây không chỉ là cơ hội quảng bá về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa của Quảng Ngãi, mà còn góp phần thúc đẩy quá trình bảo tồn di sản, phát triển du lịch và cải thiện đời sống cho người dân.
Song song với quá trình xây dựng hồ sơ di sản, từ năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi đã liên tục tổ chức các hội nghị tập huấn giới thiệu, cập nhật tiến độ xây dựng hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh đến các ban, ngành, chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc sử dụng, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên địa chất, sự đa dạng sinh học...
Theo Tiến sĩ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện khoa học Địa chất - Khoáng sản: “Đây là cách làm thiết thực, mang lại hiệu quả trong việc thay đổi nhận thức của cộng đồng. Công viên địa chất này là một di sản phức hợp mang giá trị đặc biệt, nếu người dân không hiểu rõ tầm quan trọng của di sản thì sẽ rất khó để họ chung tay bảo vệ, giữ gìn di sản. Vì thế, tăng cường truyền thông cho cộng đồng sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh”.
Nếu Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh được kết nạp vào Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, đây sẽ là thành viên thứ 4 của Việt Nam, cùng với Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn và Công viên địa chất Đắk Nông.
Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Du-lich/978618/cong-vien-dia-chat-ly-son---sa-huynh-mien-dat-...Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Du-lich/978618/cong-vien-dia-chat-ly-son---sa-huynh-mien-dat-cua-nhung-chuyen-dong
Từ tháng 7 đến cuối tháng 10 là thời điểm đẹp nhất ở Cao Ly, ngọn núi phía Đông huyện Bình Liêu (Quảng Ninh). Cả một...
0 nhận xét:
Post a Comment