Vẻ đẹp các hang động mới được tìm thấy ở Phong Nha Kẻ Bàng ~ DU LỊCH VIỆT NAM

Thursday, August 16, 2018

Hầu hết những hang động này còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, nhiều hang có quy mô lớn, thạch nhũ đẹp.

Vào tháng 8, nhóm nghiên cứu thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng công bố danh sách 44 hang động mới được phát hiện. 

Các hang động này được nhóm khảo sát lên danh sách và bắt đầu tìm kiếm từ năm 2017. Ông Võ Minh Trí, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: "Mỗi hang động có một quá trình hình thành khác nhau. Nhiều nơi còn nguyên nét hoang sơ, chưa có dấu vết của con người".

Trong số 44 hang động mới được phát hiện, có 33 điểm thuộc các xã Dân Hóa, Hóa Sơn, Trung Hóa, Thượng Hóa (huyện Minh Hóa). Ở xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) tìm thấy 9 hang động mới. Hai hang động còn lại thuộc xã Trường Sơn và Trường Xuân (huyện Quảng Ninh).

Bản đồ địa chất khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng.

Các hang động mới nằm trong 6 tầng địa chất khác nhau gồm: La Khê, Bắc Sơn, Mụ Giạ, Cát Đằng, Mục Bãi và Lệ Ninh. 

Trong đó nhiều hang động kích thước lớn, có giá trị khoa học.

Một số hang mất hai đến ba ngày đường rừng mới tiếp cận được cửa. Nhiều nơi có sương mù, hơi nước lạnh bốc ra từ lối vào.

Hang Tiền Phong, hang Cha Lết còn sót lại nhiều vỏ đạn, có thể đây từng là kho đạn của Quân Khu 4 hoặc Bộ Quốc Phòng. Ở hang Cổ Liêu, đoàn nghiên cứu tìm thấy các vật dụng biểu diễn văn nghệ, sân khấu trong thời chiến.

Từ trái sang phải: Động Rục Ma Rinh, động Ma Lon, động Lên Mới.

Các động chủ yếu tập trung ở hệ tầng La Khê và hệ tầng Bắc Sơn. Hai hệ tầng này cũng chiếm diện tích lớn nhất và lâu đời trong khối đá vôi Phong Nha Kẻ Bàng.

Ở hệ tầng La Khê phát hiện thêm: Động Bí Ẩn, động Bố, động Cây Báng, động Cây Sú, động Rục Ma Rính...

Đặc điểm của các động này là: Đá phiến sét, bột kết, cát kết, cát kết dạng quarzit, đá phiến sét chứa vật liệu hữu cơ, đá phiến silic màu đen, đá phiến sét vôi, xen những lớp mỏng đá vôi và vôi sét màu xám đen. Bề dày chung của hệ tầng khoảng 200m. Trầm tích của hệ tầng chứa hóa thạch Huệ biển.

Thạch nhũ trong các động hình thành và phát triển do điều kiện trọng lực, kết cấu tinh thể và nước kết hợp với thành phần khoáng chất lắng đọng khác nhau.

Động Ô Rô.

Kết quả khảo sát cho thấy, các động có độ cao từ 44 tới 602m, phổ biến từ 200 tới 350m. Theo phân loại độ cao, không có động nằm trong tầng độ cao thứ 1. Ngoài 5 phân tầng độ cao được Đại học Tự nhiên Hà Nội và Hội Nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh xác định trước đây, nhóm nghiên cứu đã ghi nhân thêm phân tầng 400 - 600m, gồm các động: Rục Ma Rính, Bắp chuối, Ràng, Pòng, Néch, Lèn Mọi, Hai cửa.

Động Ma Lon.

Theo nhóm nghiên cứu, hầu hết động trên chỉ mới tiếp cận, xác định vị trí, mô tả sơ bộ. Do vậy,  nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu sinh cảnh và môi trường để có các phân tích sâu hơn về các mối quan hệ của tự nhiên, qua đó có những nhận định chính xác hơn việc bảo tồn và khai thác bền vững cảnh quan, hang động.

Ảnh: BQL VQG Phong Nha Kẻ Bàng

0 nhận xét:

Post a Comment